Các thương nhân châu Âu đang gấp rút nhập khẩu cà phê trước khi Quy định chống phá rừng EUDR có hiệu lực, lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cà phê tăng cao vào năm 2025.
Các thương nhân châu Âu đang chạy đua để nhập khẩu cà phê với số lượng lớn nhằm dự trữ trước khi Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2024. Quy định này yêu cầu mọi sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu phải đảm bảo không gây phá rừng. Động thái này nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái rừng và ảnh hưởng môi trường do việc canh tác cà phê không bền vững.
Theo Bloomberg, từ đầu năm 2024, lượng cà phê nhập khẩu vào châu Âu, đặc biệt từ Brazil, đã tăng mạnh. Brazil ghi nhận mức tăng xuất khẩu cà phê sang châu Âu khoảng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy các thương nhân đang tranh thủ nhập hàng trước thời điểm quy định EUDR được áp dụng.
Ngoài Brazil, Uganda cũng trở thành nguồn cung cà phê quan trọng cho thị trường châu Âu, đặc biệt là cà phê Robusta. Sản lượng cà phê xuất khẩu của Uganda sang EU tăng mạnh do thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng từ Việt Nam – quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Một số quốc gia khác như Cameroon cũng đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường theo EUDR.
Theo ông Ricardo Dos Santos, Giám đốc cấp cao tại Riccoffee, các nhà rang xay ở châu Âu đang đẩy mạnh tích trữ cà phê để phòng ngừa rủi ro thiếu hụt nguồn cung vào năm 2025 khi quy định mới của EUDR được áp dụng. Các chuyên gia cảnh báo, quy định EUDR có thể làm giá cà phê toàn cầu tăng cao do quy trình truy xuất nguồn gốc phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung từ các nước sản xuất chính.
Holger Preibisch, Giám đốc Hiệp hội cà phê Đức, nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều bất ổn xung quanh EUDR khi Ủy ban châu Âu chưa công bố đầy đủ các chi tiết thực hiện, khiến các thương nhân lo ngại về tình hình cung ứng cà phê trong tương lai.
(Theo Nongthonviet.com.vn)