
Hiện tại Việt Nam đã có tiêu chuẩn cho một số loại gạo như gạo lật, gạo nếp trắng, gạo trắng,…
Theo ông Thái, với hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo trong thời gian tới dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh.
Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, ví dụ như gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt heo (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).
Bộ Công Thương cũng cho biết một cơ hội khác mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4 ước đạt 400 nghìn tấn với giá trị đạt 185 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo và giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 đạt 1,92 triệu tấn và 886 triệu USD, giảm 7,9% về khối lượng và giảm 0,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt 461,9 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 với 36,7% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 594,2 nghìn tấn và 257,2 triệu USD, tăng 8,2% về khối lượng và tăng 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Ba tháng tháng đầu năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Trung Quốc (gấp 4,37 lần), Đài Loan (gấp 2,79 lần) và Indonesia ( tăng 92,1%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 70,7%).
(Theo Kinh tế và tiêu dùng)