Để tận dụng dư địa do Hiệp định EVFTA mang lại, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) với tỉ lệ cao, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022.
Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như thủy sản (89,2%), rau quả (88,3%), gạo (tận dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU dành cho Việt Nam hàng năm). Giày dép – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%.
Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%. Kết quả trên cho thấy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã bước đầu phát huy hiệu quả của một Hiệp định thực chất và được kỳ vọng cao, nhưng đây vẫn là một Hiệp định còn nhiều dư địa để khai thác.
Để tận dụng dư địa do Hiệp định EVFTA mang lại, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực đàm phán với phía EU để thống nhất cách hiểu về các tiêu chí cụ thể mặt hàng theo hướng phù hợp với thực tế sản xuất hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu (như đối với mặt hàng dệt may). Đối với hạn ngạch gạo, Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán sửa đổi danh mục chủng loại gạo để phù hợp với thực tiễn mặt hàng chủng loại gạo có thế mạnh hiện nay của Việt Nam (như gạo ST 24, gạo ST 25), thay thế cho các chủng loại gạo ĐT8, OM5451.
Đối với công tác thực thi trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá và tuyên truyền phổ biến hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng Hiệp định EVFTA hiệu quả trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá, thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan như Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Pháp chế đã triển khai các giải pháp cụ thể.
Ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Quy định Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 41/2022/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2022 nội luật hoá cam kết về xuất xứ hàng hoá trong EVFTA.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thương vụ Việt Nam tại khu vực EU tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đáp ứng được các cam kết quy định và tiêu chí xuất xứ trong EVFTA.
Bộ Công Thương cũng kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đối tác nhập khẩu trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá nói riêng và lĩnh vực xuất nhập khẩu nói chung. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, doanh nghiệp,… nhằm thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thực hiện đúng quy định về xuất xứ hàng hóa, tận dụng ưu đãi thuế quan, cảnh báo về gian lận xuất xứ hàng hoá.
Giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa EVFTA
EU là một khu vực thị trường áp dụng những tiêu chuẩn rất cao đối với sản phẩm nhập khẩu, nhưng đồng thời đây cũng là một khu vực thị trường có nhiều dư địa phát triển cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Trong thời gian tới, để tận dụng tối đa hiệu quả do Hiệp định EVFTA mang lại và khai thác hết các cam kết liên quan đến xuất xứ hàng hoá, song song với cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm gian lận xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại EU triển khai một số giải pháp.
Cụ thể, tiếp tục phối hợp rà soát trao đổi với phía EU các nội dung cam kết trong Hiệp định và cập nhật, điều chỉnh phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật nội luật hoá cam kết trong Hiệp định.
Bên cạnh đó, phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường về gian lận xuất xứ hàng hoá, tránh để các ngành sản xuất – xuất khẩu trong nước bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nhập khẩu.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác để có thể cân nhắc các nội dung đàm phán liên quan đến xuất xứ hàng hoá cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, tiếp tục đàm phán thực thi về nội dung Chương quy tắc xuất xứ hàng hoá với phía EU để điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đàm phán (như nội dung về cộng gộp xuất xứ, hạn mức linh hoạt áp dụng cho sản phẩm dệt may,…).
Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, để tăng cường xuất khẩu hàng hoá sang EU, các cơ quan thương vụ cần tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp về công tác thông tin thị trường, nhu cầu tiêu thụ, các quy định, tiêu chuẩn, quy tắc xuất xứ hàng hoá của từng thị trường cụ thể để các thương nhân xuất khẩu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiếp cận thị trường đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan sang EU.
(Theo Vietq.vn)