vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Bắt tín hiệu thị trường cho xuất khẩu gạo năm 2024

Bắt tín hiệu thị trường cho xuất khẩu gạo năm 2024

Dù tình hình thế giới được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Do vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt tốt các tín hiệu thị trường để duy trì hiệu quả xuất khẩu.

Năm 2024 được các chuyên gia đánh giá là năm khá thuận lợi cho việc xuất khẩu gạo. Do để, để nắm bắt thật tốt cơ hội này, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị bày bản, dài hơi để vừa tạo dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh làm bước đệm vững chắc cho các năm tiếp theo…

Theo Cục Trồng trọt, là trung tâm sản xuất lúa gạo trọng điểm của quốc gia, những năm gần đây, sản lượng lúa gạo tại ĐBSCL luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% tổng sản lượng lúa cả nước và gần 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.  Tính đến ngày 31/3/2024, vụ Đông Xuân 2023 – 2024 tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống hơn 1,4 triệu ha/1,5 triệu ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được hơn 1,3 triệu ha với năng suất hơn 72 tấn/ha, đạt trên 9 triệu tấn lúa. Vụ Hè Thu 2024 đã xuống giống được 440.000 ha/1,480 triệu ha kế hoạch.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vừa thiết lập kỷ lục mới và cùng với đó, ĐBSCL đang hướng đến nền sản xuất lúa gạo chất lượng cao và Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được kỳ vọng sẽ góp phần đưa ngành hàng lúa gạo nước ta vươn xa.

Tại Hậu Giang, địa phương có diện tích đất trồng lúa là hơn 78.800ha, chiếm hơn 56% diện tích đất nông nghiệp, hàng năm sản xuất cho ra gần 1,2 triệu tấn lúa, đóng góp trên 54% giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt và là nguồn kinh tế chính của trên 100.000 hộ nông dân.

Để thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Chỉ đạo ngành nông nghiệp có những hướng dẫn và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia vào đề án này. Đồng thời, cũng sẽ đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác kể cả trong vùng, trong nước, quốc tế để đưa sản lượng lúa của mình, đặc biệt là gạo với chất lượng cao được đi ra thị trường thế giới.

Ngoài việc chất lượng hạt được nâng lên thì việc thay đổi từ thói quen sản xuất đến đưa máy móc, công nghệ vào những cánh đồng đã từng bước nâng tầm được giá trị hạt gạo nước ta. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, nhiều năm qua Tập đoàn đã đi theo mục tiêu bảo đảm năng suất, nâng cao thu nhập, vị thế nông dân, xây dựng vùng nông thôn đáng sống và nay sẽ thêm tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính. Ông Huỳnh Văn Thòn cũng cho biết: Tập đoàn đã nhận tham gia đề án với diện tích lúa 365.000 ha. Tại các vùng đó, tập đoàn sẽ đưa toàn bộ các giải pháp bảo vệ cây trồng đến nông dân để bảo đảm về năng suất, giá sản phẩm. 

Ông Huỳnh Văn Thòn, bày tỏ: Trong xu thế bây giờ, chúng ta thấy thế giới đang quan tâm tới an ninh lương thực mà chúng ta là một quốc gia có khả năng sản xuất, đóng góp 7 triệu tấn. Thứ hai, Việt Nam là một quốc gia đặc biệt, giàu tiềm năng, giàu thế mạnh của thiên nhiên ưu đãi và nhờ vào sự sáng tạo của người nông dân, chúng ta có thể sản xuất lúa trong cả năm, vừa giải quyết được vấn đề lao động, về vốn, vừa đảm bảo an ninh lương thực. Lúa đó là lúa mới. Cơ sở để chúng ta có gạo ngon, giảm được tồn trữ, giảm chi phí bảo quản. Đấy chính là con đường đi rất sáng của bức tranh lúa gạo Việt Nam.

Bắt tín hiệu thị trường cho xuất khẩu gạo năm 2024 lua 0755

Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo tiếp tục sôi động, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo đã tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của nước ta. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024 sẽ làm nhu cầu nhập khẩu tăng lên. Tiếp đà tăng của cả năm 2023, quý I-2024, ngành gạo xuất khẩu 2,18 triệu tấn, mang về doanh thu 1,43 tỷ USD, tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu tăng thêm 23,6%.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát chia sẻ: Xuất khẩu gạo tăng lên đó là một điều rất đáng mừng, đáng quý khi mà nước ta đã xây dựng được giá trị gạo chất lượng cao. Năm nay, người dân mình rất mừng, rất phấn khởi khi trồng được lượng lúa lớn và bán ra.

Theo giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất tốt để gạo Việt vươn xa hơn, giá cao hơn. Nắm lấy cơ hội này, các doanh nghiệp không chỉ bán gạo, mà cần tận dụng cơ hội thuyết phục, ký hợp đồng dài hạn để những năm tới tiếp tục cung cấp gạo cho đối tác. Các doanh nghiệp khi có đầu ra cần ngồi lại với chính quyền địa phương thuyết phục nông dân khoanh vùng trồng lúa theo đúng quy trình, chất lượng đã ký, từ đó hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nguyên liệu một cách đồng nhất, có thể truy xuất nguồn gốc để cung cấp gạo cho doanh nghiệp.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân chia sẻ: Theo quy luật kinh tế thị trường, cung rất thấp, cầu rất cao, giá phải tăng lên. Đây là dịp mà chúng ta có thể đánh mạnh trong thị trường xuất khẩu. Chúng ta phân tích cái kiểu trồng lúa của Việt Nam mình đặc biệt hơn các nước khác. Philippines, Indonesia làm không được, Thái Lan cũng thế. Thái Lan chọn giống lúa dài ngày. Chỉ có Việt Nam chúng ta là giống lúa ngắn ngày nhưng mà năng suất cao. Và bây giờ tiến lên, vừa ngắn ngày vừa năng suất cao, chất lượng tăng. Mình đạt 3 yêu cầu này thì các nước khác không được như thế.

Có thể nói trong bối cảnh có nhiều bất lợi về thời tiết nhưng với những gì đang diễn ra cho thấy, bức tranh xuất khẩu gạo nước ta đang có những điểm sáng mà ít quốc gia nào có được. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần nắm bắt tốt các tín hiệu thị trường để duy trì hiệu quả xuất khẩu, quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam, thông qua việc sử dụng nhiều kênh và nhiều hình thức quảng bá xúc tiến…

(Theo Vovgiaothong.vn)