Giá cà phê thế giới tăng cao đã đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên mức kỷ lục, tạo ra những cơ hội vàng cho ngành hàng này. Tuy nhiên, phía sau bức tranh sáng là bài toán dài hạn về nguồn cung – vốn đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu và tăng trưởng nóng.
Tại thị trường nội địa ngày 6/6, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên tiếp tục nhích nhẹ sau nhiều phiên điều chỉnh, đạt mức trung bình 114.000 đồng/kg – mức cao nhất trong lịch sử ngành cà phê Việt. Cụ thể, Đắk Lắk và Đắk Nông đạt 114.100 đồng/kg; Gia Lai 113.800 đồng/kg; Lâm Đồng 113.600 đồng/kg.
Diễn biến trên sàn quốc tế cho thấy xu hướng tương tự. Giá Robusta trên sàn London dao động từ 4.236 – 4.624 USD/tấn, tăng 95–121 USD/tấn chỉ sau một phiên. Giá Arabica trên sàn New York cũng tăng mạnh, giao dịch quanh mức 336 – 361 cent/lb.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2025, Việt Nam xuất khẩu 166.606 tấn cà phê, đạt 965,8 triệu USD. Dù giảm nhẹ so với tháng 3, bức tranh 5 tháng đầu năm lại hoàn toàn trái ngược. Ước tính xuất khẩu tháng 5 đạt 170.000 tấn, thu về 990 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm đạt 4,8 tỷ USD, tăng tới 65% dù sản lượng chỉ tăng chưa đến 1%.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.726 USD/tấn – cao nhất từ trước đến nay, cho thấy doanh nghiệp Việt đang tận dụng rất tốt “thời điểm vàng” từ giá thị trường để tạo bứt phá về giá trị.
Tính theo niên vụ 2024–2025, đến hết tháng 5, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,12 triệu tấn cà phê, thu về hơn 6,3 tỷ USD – vượt kỷ lục 5 tỷ USD của cả niên vụ trước dù vẫn còn 4 tháng mới kết thúc vụ.
Trong khi Robusta tiếp tục chiếm ưu thế tuyệt đối về sản lượng, Arabica – dòng cà phê vốn ít được chú ý – lại đang nổi lên với vai trò “cân bằng giá trị” trong bức tranh xuất khẩu.
Số liệu cho thấy, Arabica hiện chiếm 7,5% tổng lượng cà phê xuất khẩu – gần gấp đôi mức 4% của cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, tỷ trọng Robusta giảm nhẹ từ 82% còn 78%.
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu gần 43.700 tấn Arabica, thu về 284 triệu USD – tăng 32% về lượng và tới 191% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024. Mức giá xuất khẩu bình quân khoảng 6.500 USD/tấn – cao hơn đáng kể so với Robusta.
Đức, Italia, Tây Ban Nha vẫn là ba thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm gần 32% tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang Đức tăng gần gấp đôi (97,6%), trong khi Italia tăng 33,8% và Tây Ban Nha tăng 51,4%. Mexico ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong top 15 thị trường, trong khi Indonesia lại giảm sâu.
Song song với niềm vui về giá và kim ngạch, ngành cà phê Việt đang đối mặt với một thách thức hiện hữu: nguồn cung suy giảm do thời tiết cực đoan.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cảnh báo, hạn hán kéo dài tại Tây Nguyên – vùng trồng cà phê trọng điểm – đã khiến sản lượng cà phê vụ 2024–2025 giảm rõ rệt. Tình trạng khô hạn trong giai đoạn cây ra hoa, đậu quả đã làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt cà.
Diễn biến thời tiết tại Brazil – nước xuất khẩu Arabica lớn nhất – cũng đang gây lo ngại. Hạn hán khiến nhiều vùng cà phê chín sớm, rụng trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng. Điều này càng khiến giá cà phê toàn cầu neo ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi ngắn hạn cho Việt Nam, nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực cung ứng nếu nhu cầu tiếp tục vượt xa năng lực sản xuất.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê hạt toàn cầu trong tháng 4/2025 đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 10,2 triệu bao. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang xảy ra diện rộng – không còn là vấn đề riêng của một quốc gia.
Việc giá tăng mạnh giúp ngành cà phê tăng trưởng ngoạn mục về kim ngạch. Tuy nhiên, nếu chỉ “ăn may” nhờ giá, ngành sẽ dễ rơi vào thế bị động khi chu kỳ thị trường quay đầu.
Hiện nay, phần lớn cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng còn hạn chế. Tỷ lệ cà phê rang xay, hòa tan hoặc chế biến sâu chiếm chưa đến 10% tổng kim ngạch. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu ngày càng đòi hỏi minh bạch quy trình sản xuất, tiêu chuẩn xanh, phát thải thấp, truy xuất nguồn gốc rõ ràng…
Việc Arabica tăng trưởng cho thấy xu hướng dịch chuyển cơ cấu giá trị trong ngành là hoàn toàn khả thi – nếu có đầu tư bài bản. Nâng chất vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ chế biến sâu, kiểm soát chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế chính là con đường để ngành cà phê Việt Nam thoát khỏi “bẫy giá nguyên liệu”.
Kỷ lục kim ngạch là tín hiệu đáng mừng. Nhưng sẽ còn đáng mừng hơn nếu Việt Nam có thể giữ vững vị thế này bằng chiến lược bài bản: từ giống cây – vùng nguyên liệu – chế biến – logistics – thương hiệu. Bởi đó mới là cách giúp ngành cà phê không chỉ xuất khẩu mạnh mà còn xuất khẩu bền vững.
(Theo Haiquanonline.com.vn)