Từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc phá rừng và gây suy thoái rừng. Điều này được nhiều chuyên gia cho là vừa có cơ hội vừa là thách thức với ngành cà phê Việt Nam.
Cơ hội là ở chỗ, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn diện tích cà phê của nước ta đáp ứng các quy định chống phá rừng châu Âu nên cà phê Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn so với những thị trường chưa đáp ứng quy định này. Đồng thời, ngành cà phê nước ta có điều kiện phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để đáp ứng quy định của EU, cà phê phải được truy xuất nguồn gốc tận vườn. Đây là một khó khăn rất lớn trong thực tế trồng trọt và kinh doanh cà phê nước ta hiện nay. Bởi, diện tích trồng manh mún, việc thu mua qua nhiều trung gian nên việc chứng minh nguồn gốc cần sự thay đổi lớn, tốn kém từ khâu trồng trọt đến thu mua và xuất khẩu.
Để đáp ứng quy định của EU, hiện nay một số doanh nghiệp đã tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho riêng mình. Tuy nhiên, điều này chỉ các doanh nghiệp lớn mới có thể làm được, trong khi ngành cà phê nước ta có quy mô rất lớn nếu mỗi doanh nghiệp tự xây dựng cơ sở dữ liệu sẽ đẩy chi phí của cả ngành lên cao và làm giảm sự cạnh tranh về giá trên thị trường. Đồng thời, nếu không có đủ cơ sở chứng minh nguồn xuất xứ, khó khăn sẽ đối mặt với cả cà phê được trồng trên đất phá rừng hay không phá rừng. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có một cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, trong đó có cơ sở dữ liệu về vườn trồng cà phê.
Nhìn thẳng thực tế, một cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng và về vườn cà phê là giải pháp quan trọng cần được nghiên cứu sớm để phát triển cà phê và nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, một cơ sở dữ liệu chung không chỉ giải quyết vấn đề về phát triển ngành cà phê trước yêu cầu mới của thị trường mà còn là một giải pháp để bảo vệ rừng trong bối cảnh rừng luôn có nguy cơ bị phá. Hơn nữa, hiện nay yêu cầu về truy xuất nguồn gốc gắn với đáp ứng quy định về bảo vệ rừng đang có xu hướng được áp dụng với nhiều loại nông sản, hàng hóa. Do đó, những pháp mang tính đột phá, tích hợp yêu cầu nhiều mục tiêu cho phát triển bền vững dù có khó khăn cũng cần được nghiên cứu, triển khai để nâng cao tính cạnh tranh cho nền kinh tế.
(Theo Haiquanonline.com.vn)