Cùng với sản lượng, giá gạo Việt Nam thời gian qua tăng cao làm dấy lên kỳ vọng xuất khẩu sẽ một lần nữa cán mốc khoảng 8 triệu tấn và thu về hơn 5 tỷ USD.
Trong 7 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gạo được trêm 5,1 triệu tấn, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay đươc kỳ vọng cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD – mức kỷ lục mới của ngành.
Trả lời câu hỏi xuất khẩu gạo Việt Nam liệu có thể đạt kỷ lục 8 triệu tấn như năm 2023, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt – dự báo, ngành lúa gạo sẽ vừa đảm bảo xuất khẩu được 8 triệu tấn gạo trong năm 2024 vừa đáp ứng tốt an ninh lương thực của đất nước.
“Nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo đang hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tích cực đàm phán và đạt kết quả tốt với đối tác. Nhờ vậy sản lượng gạo xuất khẩu cũng tăng lên, giá gạo của Việt Nam được đảm bảo”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, hiện tại Việt Nam có nhiều giống lúa được đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới. Theo đó, Việt Nam đã nghiên cứu và cho ra đời bộ giống lúa thơm ngắn ngày, mỗi năm có thể sản xuất 2-3 vụ, năng suất cao và cho chất lượng gạo ngon, dẻo, thơm.
“Đây là bộ giống độc quyền của Việt Nam mà các nước sản xuất, xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan…không có được. Bộ giống này đã giúp cho ngành lúa gạo Việt Nam định vị một phân khúc mới trên thị trường thế giới. V ùng đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất lúa gạo quanh năm của Việt Nam, nơi đây có thế mạnh trong việc duy trì sản lượng ổn định bền vững, chất lượng lúa gạo cũng ngày một nâng cao hơn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới trong những năm tới”, ông Cường cho biết thêm.