Đầu năm sau, mặt hàng gỗ xuất khẩu đi các nước châu Âu phải chứng minh được nguồn gốc để không vi phạm quy định chống mất rừng (EUDR) của EU. Tuy nhiên, các doanh nghiệp “thủ phủ” xuất khẩu gỗ Bình Định vẫn đang thấp thỏm chờ hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
Cơ quan quản lý nhà nước còn bị động
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng đồ gỗ ngoại thất để xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ, hiện Công ty TNHH Hoàng Hưng (tại Bình Định) đã có đơn hàng từ thị trường Châu Âu kín đến quý II năm sau.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Công ty TNHH Hoàng Hưng lại chính là các đơn hàng của năm 2025. Cụ thể, các đối tác từ phía châu Âu đang bắt buộc doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc rừng, để không vi phạm quy định chống mất rừng (EUDR).
Đáng nói, đây là khó khăn chung của ngành xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Định, địa phương đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước.
Qua tìm hiểu, tháng 6/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành quy định chống mất rừng (EUDR). Theo đó, từ tháng 1/2025, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có sản phẩm gỗ xuất khẩu đến thị trường EU, sẽ không được chấp nhận nếu không chứng minh được sản phẩm không liên quan đến phá rừng.
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đến cuối năm 2023, tổng số diện tích rừng trồng trên toàn tỉnh là 167.612 ha; trong đó, diện tích được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng là 77.574 ha (chiếm 46,28%).
Trên diện tích 77.574 ha, có 9.882 ha rừng trồng cây gỗ lớn, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC, VFCS/PEFC) là hơn 12.175 ha.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đánh giá, khi quy định EUDR có hiệu lực sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành gỗ của tỉnh này nói chung, các doanh nghiệp gỗ nói riêng.
Trao đổi với PV, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đang rất bị động với quy định EUDR của EU.
Theo ông Thiện, Bộ NN&PTNT chưa có phương án triển khai EUDR; ngoài ra, Bộ NN&PTNT muốn đàm phán lại với phía EU để giãn thời gian thực hiện quy định này.
Tuy nhiên, quy định của EU không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới phải thực hiện. Vì vậy, lùi thì không thể lùi được, còn triển khai như thế nào thì Bộ NN&PTNT cũng chưa có phương án.
Bên cạnh đó, không riêng gì gỗ, mà nhiều sản phẩm như: cà phê, gạo… cũng bị áp dụng quy định này. Trong khi đó, các phương án để gỡ khó cho doanh nghiệp chỉ dừng lại ở hội thảo lấy ý kiến, góp ý…
Trên địa bàn tỉnh Bình Định có khoảng 354 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng gỗ, trong đó, đa phần là các mặt hàng gỗ được xuất khẩu vào thị trường châu Âu. “Trong tương lai, quy định này không chỉ được áp dụng ở châu Âu, vì khi châu Âu thực hiện, các thi trường khác cũng đi theo thực hiện”, ông Thiện nhấn mạnh.
Hiện, các doanh nghiệp đang có đơn hàng xuất khẩu sang EU kéo dài từ tháng 9 năm nay tới tháng 2-3/2025. Tuy nhiên, đến hết tháng 12/2024, đối tác yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ liên quan đến quy định EUDR cho đơn hàng của năm 2025.
“Điều này gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Nếu chúng ta sản xuất mà không cung cấp được đầy đủ hồ sơ, đặc biệt là bản đồ tọa độ vị trí địa lý, khách hàng sẽ từ chối nhận hàng. Nhưng nếu không làm, hợp đồng đã ký rồi, doanh nghiệp cũng không biết phải xử lý thế nào”, ông Thiện nhìn nhận.
Số hóa dữ liệu để truy xuất nguồn gốc gỗ
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh cũng đã nắm rõ được quy định EUDR của EU.
Do vậy, các doanh nghiệp đã chủ động yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoặc doanh nghiệp trung gian cung cấp nguồn nguyên liệu phải đảm bảo tính hợp pháp và phải cung cấp được vị trí địa lý của vùng trồng.
Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với quy định EUDR của EU.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT triển khai phối hợp với UBND cấp huyện; các sở, ban, ngành để có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về tính pháp lý đối với diện tích đất trồng rừng chưa được cấp sổ đỏ hoặc có sổ đỏ nhưng chưa có vị trí địa lý.
“Sở còn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các bên liên quan đề xuất giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số về hiện trạng rừng; đảm bảo đầy đủ các thông tin để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý gỗ và các sản phẩm từ gỗ”, ông Phúc nói thêm.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trước mắt, các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán, sản xuất cân đối các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 12/2024.
Cùng với đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ chủ động làm việc với các doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và đề xuất lên các Bộ, ngành Trung ương để cùng tháo gỡ cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
(Theo Nhadautu.vn)