Số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 của Việt Nam ước đạt 800.000 tấn với giá trị 505 triệu USD, nâng tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2024 ước đạt gần 7,8 triệu tấn với giá trị 4,86 tỷ USD.
Con số này tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023 là một năm bội thu của mặt hàng gạo Việt Nam. Với tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tốc độ xuất khẩu trên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt trên 8 triệu tấn và sẽ vượt kỷ lục của năm 2023.
Về thị trường, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chiếm 15% tổng lượng xuất khẩu toàn thế giới. Trong số đó, Philippines là quốc gia đứng trong top đầu về nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố số liệu cho biết, Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Dự kiến năm 2024, quốc gia này sẽ nhập khẩu 4,1 triệu tấn gạo, cao hơn mức 3,2 triệu tấn trong năm 2023. Trong những năm gần đây, Philippines vẫn là nhà nhập khẩu hàng đầu đối với gạo Việt Nam theo đó tính đến cuối tháng 10/2024, Philippines đã nhập khẩu tổng số 3,68 triệu tấn gạo.
Dự báo trong 3 tháng cuối năm 2024, mùa vụ cuối năm của Philippines bị thiệt hại do thiên tai có thể khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines tiếp tục tăng cao. Tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 có thể đạt 4,5 triệu tấn.
Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Philippines khuyến nghị, để xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ngoài việc tiếp cận xuất khẩu sang thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.
Tuy nhiên chúng ta vẫn cần hết sức tỉnh táo để giải trọn vẹn bài toán thị trường thương mại gạo toàn cầu cho dẫu xuất khẩu gạo Việt Nam đang ở một vị thế chắc hơn nhiều so với thời gian trước đây.
Về nội tại doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn cần đặc biệt quan tâm bảo đảm và duy trì chất lượng gạo giữa các lô hàng xuống tàu. Bởi đây có thể nói là yếu tố sống còn trong việc giữ vững lòng tin từ phía đối tác và khách hàng quốc tế, kể các đối tác khách hàng truyền thống và mới.
Đặc biệt càng những thời điểm như thế này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt càng cần duy trì phong độ cạnh tranh lành mạnh, không vì lợi ích doanh nghiệp mà để ảnh hưởng đến hình ảnh của xuất khẩu gạo về giá cả, chất lượng hàng hoá. Động thái phá giá gạo để giành thị trường nhất là trong những thời điểm như thế này không chỉ gây tổn thất cho chính các doanh nghiệp mà còn đe dọa uy tín và lợi ích chung của toàn ngành.
Về các thị trường ngoài nước của gạo xuất khẩu, theo các chuyên gia, công tác thông tin thị trường càng cần được quan tâm để kịp thời nắm vững các diễn biến ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xuất khẩu gạo, đặc biệt là nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng và thị trường. Cũng không vì quá mải mê các thị trường truyền thống mà bỏ rơi, bỏ qua các thị trường ngách.
(Theo Doanhnghiephoinhap.vn)