vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Gạo Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan tại thị trường Philippines

Gạo Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan tại thị trường Philippines

Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines đạt hơn 1 triệu tấn, giúp Philippines tiếp tục là nhà nhập khẩu hàng đầu gạo Việt Nam. Song, mới đây Chính phủ Thái Lan cho biết quyết tâm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang nước này, khiến gạo Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan tại “Xứ sở vạn đảo”.

Gạo Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan tại thị trường Philippines tau gao 1 4971

Philippines sẽ nhập khẩu 4,1 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng khoảng 200.000 tấn so với ước tính

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 2.182.033 tấn, đạt giá trị 1,426 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, giá trung bình 653,9 USD/tấn. Top 3 thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam trong 3 tháng qua lần lượt là: Philippines, Indonesia và Malaysia.

Theo đó, xuất khẩu sang thị trường số 1 Philippines trong 3 tháng đầu năm 2024, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, giá 641,7 USD/tấn, tăng 13,2% về lượng, tăng 44% về kim ngạch và tăng 27,3% về giá so với 3 tháng năm 2023; riêng tháng 3/2024 xuất khẩu đạt 511.204 tấn, tương đương 311,92 triệu USD, giá 610,2 USD/tấn, tăng 133,2% về lượng, tăng 118,5% kim ngạch nhưng giảm 6,3% về giá so với tháng 2/2024.

Diễn biến mới nhất là chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 3 đã tăng 3,7% so với một năm trước đó. Gạo – mặt hàng chủ lực ở Philippines đã tăng đến 24,4% trong tháng 3, mức tăng mạnh nhất kể từ 24,6% vào tháng 2 năm 2009. Điều này cho thấy, Philippines sẽ tiếp tục tăng lượng gạo nhập khẩu để giảm áp lực giá cả và lạm phát.

Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự kiến ​​Philippines sẽ nhập khẩu 4,1 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng khoảng 200.000 tấn so với ước tính trước đó là 3,9 triệu tấn trong tháng 2 do thu hoạch từ các trang trại địa phương giảm đi. Nếu dự báo là chính xác, con số này sẽ tăng 14% so với 3,6 triệu tấn gạo mà nước này đã nhập khẩu vào năm 2023.

Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai – Indonesia trong 3 tháng đầu năm đạt 445.326 tấn, trị giá 285,055 triệu USD, tăng 2,99 lần về lượng và tăng 4,08 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 640 USD/tấn, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Năm 2024, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) được cấp hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, tuy nhiên, do ảnh hưởng của El Nino khiến tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt, vụ thu hoạch hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng so với thông thường nên chính phủ nước này quyết định nâng hạn ngạch nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn; nâng tổng số gạo sẽ nhập khẩu lên 3,6 triệu tấn. Indonesia sẽ là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Philippines ước tính 4 – 4,1 triệu tấn.

Malaysia đứng thứ 3 với lượng gạo xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm đạt 98.971 tấn, trị giá 61,551 triệu USD, tăng 28,84% về lượng và tăng 60,61% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình 622,3 USD/tấn, chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Chính phủ Thái Lan quyết tâm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Philippines

Năm 2023, có đến 82% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đến từ Việt Nam, phần còn lại từ Thái Lan, Myanmar, Pakistan và Ấn Độ cùng các nước khác.

Chính phủ Thái Lan cho biết là đang tìm cách tăng xuất khẩu gạo sang Philippines khi quốc gia Đông Nam Á này dự kiến ​​sẽ nhập khẩu nhiều gạo hơn dự báo trước đó trong năm nay.

Ông Phumtham Wechayachai, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết gần đây đã yêu cầu Bộ Ngoại thương (DFT) và các tùy viên thương mại ở các nước trên thế giới tìm kiếm cơ hội thương mại cho các doanh nhân Thái Lan.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Thương mại Thái Lan thì Chính phủ đã chỉ đạo cho các cơ quan liên quan là phải đẩy nhanh việc phát triển các giống lúa thương mại mới, đặc biệt là những giống có hàm lượng amylose cao mà Philippines mong muốn, nhằm giành lại thị phần cho các nhà sản xuất gạo Thái Lan.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động thương mại nhất là thương mại toàn cầu cạnh tranh luôn xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, song, tính đến thời điểm này Việt Nam vẫn là nguồn cung cấp gạo hàng đầu cho Philippines. Tại thị trường Philippines, gạo Việt Nam luôn có ưu thế lớn so với các nguồn cung khác nhờ vào chất lượng và độ tươi mới của hạt gạo, phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của người tiêu dùng. Nhờ vậy, người dân Philipines vẫn ưu tiên lựa chọn gạo Việt Nam cho các bữa ăn hàng ngày của họ so với gạo Thái Lan, Pakistan hay Myanmar.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 31/3/2024, vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 1,498 triệu ha/1,5 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 1,048 triệu ha và sản lượng đạt khoảng 7,34 triệu tấn lúa.

Dẫn nguồn từ Oryza, ngày 12/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo Việt Nam loại 5% tấm xuất khẩu chào bán với giá 578 USD/tấn; gạo 25% tấm xuất khẩu chào bán với giá 549 USD/tấn. Gạo 5% của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 3 USD/tấn và thấp hơn gạo Pakistan 9 USD/tấn, với mức gạo như hiện nay sẽ tạo cơ hội cho gạo Việt khi đàm phán các hợp đồng mới.

(Theo Cuocsongkinhdoanh.vn)