Trong tháng 7 vừa qua, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt kỷ lục 4.951 USD/tấn, tăng 75,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tính đến hết 10 tháng đầu niên vụ 2023-2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn cà phê, trong tổng sản lượng khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ hiện tại.
Giá cà phê xuất khẩu tăng hơn 75%
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 76.982 tấn, trị giá 381,2 triệu USD, giảm 29,3% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng vừa qua đạt kỷ lục 4.951 USD/tấn, tăng 7,8% so với tháng trước và tăng tới 75,1% (tương đương 2.123 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê tăng 52,3% lên mức bình quân 3.682 USD/tấn. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu mặc dù giảm 12,4% so với cùng kỳ, nhưng giá trị thu về vẫn tăng 33,5%, đạt 979.353 tấn, trị giá 3,6 tỷ USD.
Với những yếu tố thuận lợi về giá, ngành cà phê được kỳ vọng có thể mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay.
Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu với 381.699 tấn, trị giá 1,37 tỷ USD. Mặc dù lượng cà phê xuất khẩu sang EU giảm 10,7%, trị giá lại tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Đức, Italia và Tây Ban Nha đạt lần lượt là 121.500 tấn, 91.082 tấn và 71.734 tấn. So với cùng kỳ, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức và Tây Ban Nha giảm lần lượt 11,6% và 14,5%, trong khi xuất khẩu sang Italia tăng 17,8%.
Xuất khẩu cà phê sang một số thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ và Nga đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường châu Á lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với Indonesia tăng 50,4%, Philippines tăng 63,7%, Trung Quốc tăng 27,2%, Thái Lan tăng 68,7%, và Malaysia tăng 61,7%.
Với thị trường EU, nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu đang tăng lên do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).
Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại thị trường này. Đặc biệt, đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê khác, khi mức thuế đã được đưa về 0%.
Hiện Việt Nam đã vượt qua nhiều nước sản xuất hàng đầu khác như Ấn Độ, Thụy Sỹ, Brazil… để trở thành nhà cung cấp cà phê chế biến (cà phê hòa tan, hỗn hợp cà phê) hàng đầu vào EU chỉ sau thị trường Anh.
Việt Nam còn bao nhiêu cà phê để xuất khẩu?
Như vậy, kết thúc 10 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 7 năm nay), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,3 triệu tấn, tương đương 90% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 12,4% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Nếu không tính lượng hàng tồn kho từ năm trước chuyển sang, Việt Nam sẽ chỉ còn lại khoảng 130.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của niên vụ 2023-2024 (từ tháng 8 đến đến hết tháng 9).
Sản lượng năm nay giảm cộng thêm tồn kho từ năm trước chuyển sang thấp là nguyên nhân chính khiến cho lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm trong 6 tháng gần đây.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng còn lại của quý III sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung thấp. Đến tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 bắt đầu, thì nguồn cung cà phê mới tăng trở lại.
Niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam ước đạt 1,47 triệu tấn – mức thấp nhất trong 4 năm, giảm 20% so với niên vụ 2022-2023 theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn. Sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 nhiều khả năng sẽ vẫn giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi.
Tuy nhiên, ngành hàng cà phê Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá. Theo Bloomberg, giá cà phê robusta toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng mạnh và kéo dài do lo ngại nguồn cung khan hiếm từ Việt Nam. Còn theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê robusta lên tới 35 triệu bao (60kg/bao) vào năm 2040.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê robusta nhân xô tại khu vực Tây Nguyên dao động ở mức 120.000 – 121.200 đồng/kg trong phiên giao dịch ngày 13/8, giảm hơn 6% so với một tháng trước nhưng tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn giao dịch London cũng giảm nhẹ 1,8% so với tháng trước, xuống còn 4.532 USD/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn cùng kỳ tới gần 70%.
Giá cà phê arabica giao giao cùng kỳ hạn trên sàn NewYork đạt 240,8 US cent/pound, giảm 3,2% so với tháng trước nhưng tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Áp lực từ vụ thu hoạch ở Brazil khiến giá cà phê hạ nhiệt trong vài tuần qua. Mặc dù vậy, các ước tính gần đây cho thấy sản lượng cà phê của Brazil thấp hơn dự kiến ban đầu và các báo cáo cũng đưa ra một bức tranh không mấy lạc quan cho vụ thu hoạch 2025-2026.
Safras & Mercado gần đây đã cắt giảm ước tính về sản lượng vụ mùa cà phê năm nay của Brazil hơn 4 triệu bao xuống còn 66 triệu bao. Tương tự, Rabobank điều chỉnh dự báo sản lượng của Brazil xuống mức 67,1 triệu bao, so với ước tính trước đó là 69,8 triệu bao.
Công ty dịch vụ tài chính hàng đầu của Mỹ là StoneX cũng hạ dự bán sản lượng của Brazil xuống mức 65,9 triệu bao, thấp hơn 1,7% so với ước tính đầu tiên được công bố vào tháng 2.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông của Brazil đưa tin, sương giá đã ảnh hưởng đến một số khu vực của Alta Mogiana (São Paulo) và Cerrado Mineiro, vùng sản xuất cà phê arabica quan trọng thứ hai của nước này.
(Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)