Xuất khẩu gạo sắp cán mốc 8 triệu tấn
Lũy kế từ đầu năm đến 15/12, xuất khẩu gạo đạt hơn 7,93 triệu tấn, kim ngạch gần 4,54 tỷ USD, tăng 15,4% về lượng và gần 36% về kim ngạch so với cùng kỳ.Dự báo, năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 12/2023, cả nước xuất khẩu 292.192 tấn gạo, kim ngạch đạt 200 triệu USD. Về thị trường xuất khẩu, đến hết tháng 11, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất. Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 4,58 triệu tấn, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Trung Quốc đạt 896 nghìn tấn, tăng 10,9%.
Tính chung lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 5,48 triệu tấn, chiếm tới 72% lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm. Để tận dụng được lợi thế xuất khẩu, trước hết, việc vận hành bền vững chuỗi sản xuất cần được ưu tiên. Xuất khẩu lúa gạo hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh cao, nguồn cung không ổn định và biến đổi khí hậu… Thực tế mới đòi hỏi ngành hàng quan trọng này cần có chiến lược xoay chuyển, để hình thành một hướng đi mới bền vững và thịnh vượng hơn.
Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho thấy, giá cà phê tăng liên tiếp qua các phiên gần đây.Lo ngại thiếu hụt nguồn cung tiếp tục là yếu tố quan trọng hỗ trợ giá cà phê đi lên.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 29/12, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 69.100 – 69.900 đồng/kg, tăng 1.700 đồng/kg so với hôm qua.
Thông tin từ Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam cho biết, giá cà phê trong nước dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm tới, do nguồn cung thiếu hụt trầm trọng trong niên vụ cà phê 2022/2023.
Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam cũng ước tính còn thiếu khoảng 1,5 – 2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng và cần được đáp ứng từ vụ thu hoạch cà phê hiện tại, trong khi nhà nông vẫn chưa muốn bán cà phê với mức giá hiện hành, đã đẩy giá tiếp tục tăng trên sàn London.
Bộ Công Thương dừng cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC
Kể từ ngày 1/1/2024, việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương về việc tiếp tục thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BCT ngày 16 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC cho thương nhân theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BCT cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
(Theo Congthuong.vn)