Trong những ngày tới đây, giá hồ tiêu sẽ có những đợt biến động bất thường, kèm theo giá vận tải hàng hóa đường biển tăng, khiến doanh nghiệp xuất khẩu không khỏi lo ngại.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, giá hồ tiêu nội địa trung bình tháng 7/2024 đạt 150.000 đồng/kg, tăng 82,9% so với thời điểm tháng 1 và tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong những ngày tới đây giá hồ tiêu sẽ có những đợt biến động bất thường, kèm theo giá vận tải hàng hóa đường biển tăng, khiến DN xuất khẩu không khỏi lo ngại.
Thị trường hồ tiêu còn biến động
Tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 143.000 tấn hồ tiêu các loại với tổng kim ngạch trên 634 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu xuất khẩu giảm 6,8% nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng 30,5%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đạt 4.365 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.983 USD/tấn, tăng lần lượt 922 USD đối với tiêu đen và 1.028 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu nội địa trung bình tháng 7 đạt 150.000 đồng/kg, tăng 82,9% so với thời điểm tháng 1 và tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính trung bình giá tiêu đen 7 tháng năm 2024 tăng 66,5% so với năm 2023.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, nguồn cung thiếu hụt do sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giá tiêu tăng. Với giá cả hiện tại, sinh kế người nông dân được đảm bảo nhưng ngược lại các DN xuất khẩu như đang “ngồi trên lửa”. Tại Việt Nam có khoảng 30 DN xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu. Dù ngành hàng có nhiều điểm sáng tích cực, nhưng giá cả có thể sáng tăng- chiều giảm mạnh, biến động bất thường ngay trong ngày.
Chênh lệch giữa giá mua và bán, kèm đó tình hình giá cước tàu biển tăng và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển có thể kéo dài đến tháng 8 năm nay, khiến các DN xuất khẩu đối diện nhiều rủi ro trong việc đảm bảo cam kết hợp đồng xuất khẩu tiêu.
“Mặc dù rất cố gắng giữ đơn hàng để đảm bảo uy tín với khác hàng, nhưng các DN cũng gặp những vấn đề về chi phí và lợi nhuận, bởi DN phụ thuộc rất nhiều từ logistics giá tàu, cước tàu…Vấn đề này ở góc độ quản lý nhà nước, phía Bộ GTVT đang làm việc nhưng cũng chưa thể giải quyết được…”, bà Liên nói.
Từ đầu năm đến nay, giá cước vận tải biển đã tăng gấp 5 lần. Nhiều DN cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch Covid-19.
Doanh nghiệp phải tính cách, đừng vội mừng
Tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 143.000 tấn hồ tiêu các loại, trong khi sản lượng cả năm 2024 dự kiến khoảng 170.000 tấn. Như vậy, nguồn tiêu còn lại khoảng 27.000 tấn chưa thu hoạch, cộng với lượng hồ tiêu tồn kho vụ 2023 chuyển sang và lượng tiêu nhập khẩu 2024 khoảng 40.000- 45.000 tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch). Trên cơ sở đó, dự kiến nguồn hàng xuất khẩu từ tháng 8 cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và kéo dài cho đến tháng 3/2025, khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch, từ đó giá hồ tiêu sẽ có những đợt biến động bất thường.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho rằng, thời điểm này, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng ngành hàng, nhất là vấn đề điều hành, cân đối quy mô sản xuất và thương mại.
“Từ câu chuyện thực tế của giá gạo tăng đã khiến một số DN phải phá sản, nên không chỉ căn cứ vào giá bán thế giới tăng là vội mừng. Ngành hàng hồ tiêu cũng trong tình trạng này, giá lên hay xuống đều có thách thức gắn với câu chuyện phải thay đổi. Vấn đề không quan trọng giá lên xuống bao nhiêu, cần phải nghĩ đến chênh lệnh giá thành và giá bán là bao nhiêu”, ông Tiệp phân tích.
Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường hồ tiêu và gia vị thế giới. Để định hướng được ngành hàng này, Bộ NN&PTNT đang cùng với Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam xây dựng đa dạng quy chuẩn và thực hiện chứng nhận cho sản phẩm liên quan đến hồ tiêu. Qua đó, giúp ngành hàng này tiếp tục phát triển ổn định.
(Theo Vov)