Trong tháng 10/2024, xuất khẩu cà phê đạt 50 nghìn tấn, trị giá 292,7 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, vượt xa con số 4,18 tỷ USD của cả năm 2023…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù khối lượng cà phê xuất khẩu 10 tháng năm 2024 giảm 10,8%, nhưng giá trị lại tăng vọt 40,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đã vượt xa con số 4,18 tỷ USD của cả năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng cao là nhờ giá cà phê xuất khẩu ở mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.
GIÁ XUẤT KHẨU SAU 10 THÁNG ĐÃ TĂNG TỚI 91,7%
Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 10 qua, với thị phần lần lượt là 11,2%, 8,2%, và 7,9%. Xuất khẩu cà phê tăng trưởng ở tất cả các thị trường trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong đó các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất là Philippiné và Malayxia với cùng mức tăng 2,2 lần, và tăng thấp nhất ở thị trường Bỉ với mức tăng 5,2%.
Hiện vừa kết thúc niên vụ cà phê 2023-2024, và bước đầu vào niên vụ cà phê 2024-2025. Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2023-2024 (tính từ tháng 10/2023 đến hết tháng 10/2024), Việt Nam đã xuất khẩu 1,46 triệu tấn cà phê, giảm 12,1% so với niên vụ trước đó. Lượng cà phê xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch lại tăng tới tới 33,1%, lên mức 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay và là lần đầu tiên xuất khẩu cà phê trong một niên vụ cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.
“Bên cạnh những kỷ lục về giá và kim ngạch xuất khẩu, cà phê Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nhu cầu thị trường thế giới. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng cà phê mà còn khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho hay năm 2024 là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê. Lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu (loại cà phê Việt Nam có sản lượng đứng đầu thế giới) cao hơn cả giá cà phê Arabica.
Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng liên tục. Cụ thể, tháng 1, cà phê của nước ta có giá xuất khẩu chỉ 3.054 USD/tấn, đến tháng 10 vọt lên 5.855 USD/tấn. Có nghĩa là, trong vòng 10 tháng, giá mặt hàng này đã tăng tới 91,7%.
Phân tích sâu hơn về nguyên nhân khiến giá xuất khẩu cà phê Robusta cao hơn giá cà phê giá cà phê Arabica của Brazil (trong khi từ trước tới nay, cà phê Robusta thường chỉ xuất khẩu được giá chỉ bằng một nửa giá cà phê Arabica), ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho rằng do quy định chống phá rừng (EUDR) của EU.
Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) nêu rõ, từ ngày 30/12/2024, các công ty không thể xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (trong đó có cà phê) vào thị trường này nếu không chứng minh được sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã tăng thu mua cà phê từ Việt Nam trước thời hạn 30/12/2024.
Mới đây, EU cho phép đối với các công ty nhỏ, tính hiệu lực của quy định EUDR được lùi lại tới tháng 7/2025. Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chưa bị ảnh hưởng bởi quy định này trong nửa đầu năm 2025.
NGÀNH CÀ PHÊ VIỆT NAM ĐANG CÓ NHIỀU THUẬN LỢI
Theo Hiệp hội Cà phê – Cao cao Việt Nam, vụ thu hoạch cà phê mới đã bắt đầu từ ngày 1/11, tính đến nay, sau 10 ngày đã thu hoạch được 5% và công việc sẽ tiếp tục cho đến cuối năm. Sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 26 đến 27 triệu bao trong niên vụ 2024-2025, trong đó có 24 đến 25 triệu bao robusta. Con số này thấp hơn so với dự báo sơ bộ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) – dự kiến thu hoạch cà phê của Việt Nam trong niên vụ mới là 29 triệu bao, bao gồm cả arabica và robusta.
Tuần trước, giá cà phê thế giới trải qua một tuần biến động mạnh, tăng cao, giảm sâu theo sự tăng giảm của đồng USD. Trên sàn giao dịch London, kết thúc phiên giao dịch 7/11, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2025 giảm 110 USD/tấn, ở mức 4.376 USD/tấn, giao tháng 3/2025 giảm 106 USD/tấn, ở mức 4.318 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 giảm 7,05 cent/lb, ở mức 253,35 cent/lb, giao tháng 3/2025 cent/lb giảm 6,65 cent/lb, ở mức 253,1 cent/lb. Giá cà phê trên các sàn thế giới có phiên giảm sâu vào cuối tuần qua, nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng kết quả của cuộc Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, đã góp phần chao đảo thị trường tiền tệ đưa đến ảnh hưởng giá hàng hóa.
Tuy nhiên, tổng kết cả tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2025 tăng 97 USD/tấn, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 12 tăng 10,4 Cent/lb. Theo các nhà phân tích trên thế giới, điểm lại những yếu tố đáng chú ý giúp cho giá cà phê tuần qua, robusta vực lại sau 5 tuần rớt liên tục với sự điều chỉnh lãi suất giảm 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần qua (ngày 7/11), điều này đã khiến cho chỉ số USD giảm mạnh và đẩy sức mua đối với giá cà phê.
Sang đến phiên đầu tuần này (11/11), giá cà phê trên các sàn thế giới đã có dấu hiệu bình thường trở lại. Thị trường cà phê đã trở về với thực tại bởi thông tin mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) về tình hình xuất khẩu cà phê toàn cầu – trong tháng 9 tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,76 triệu bao, lượng xuất khẩu tính theo vụ cũng tăng khoảng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 137,27 triệu bao.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong 2 tháng cuối năm sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều biến động trên thị trường cà phê, nhưng do không còn cà phê lưu kho trên thị trường, nên xu hướng giá vẫn ổn định cao. Hiện tại, Brazil đã kết thúc vụ thu hoạch cà phê, người trồng cà phê ở nước này hiện đang dừng bán ra và chờ xem sản lượng cà phê vụ tới sẽ như thế nào sau khi ra hoa. Do đó, thị trường cà phê từ nay đến hết quý 1/2025 phụ thuộc vào các nước trồng cà phê ở Bán cầu Bắc, đặc biệt là Việt Nam.
“Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều biến động, nhưng do không còn cà phê trên thị trường nên xu hướng giá vẫn ổn định cao”, ông Eduardo Carvalhaes, một nhà phân tích tại Văn phòng Carvalhes ở Brazil, đã nói như vậy với báo chí của Brazil.
Theo ước tính của CONAB (Cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil), sản lượng cà phê của Brazil đã đạt đỉnh vào năm 2020. Nếu xu hướng này tiếp tục, năm nay sẽ đánh dấu năm thứ tư liên tiếp sản lượng nước này sụt giảm từ đỉnh. Brazil có khả năng sẽ phải đối mặt với một vụ thu hoạch đầy thách thức khác vào năm 2025, do một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ký ức gần đây. Bất kỳ ai đi qua các đồn điền cà phê không được tưới tiêu của đất nước này đều có thể chứng thực điều đó.
Với những diễn biến trên thế giới như vậy, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho rằng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 2 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi, nhờ có cà phê thu hoạch mới để bán, trong khi giá xuất khẩu sẽ vẫn cao. Dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê cả năm sẽ lập kỷ lục với mốc 5,5 tỷ USD.
(Theo Vneconomy.vn)