vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Hai khách hàng chính của gạo Việt tiếp tục có nhu cầu lớn

Hai khách hàng chính của gạo Việt tiếp tục có nhu cầu lớn

Indonesia khách mua gạo lớn thứ 2 của Việt Nam muốn nhập thêm 900.000 tấn gạo trong 4 tháng cuối năm. Trong khi đó, Philippines kiên trì với chính sách giảm thuế để tăng lượng nhập khẩu nhằm giảm giá gạo nội địa.

Hai khách hàng chính của gạo Việt tiếp tục có nhu cầu lớn Hai khach hang chinh cua gao Viet tiep tuc co nhu cau l

Mỗi khách hàng truyền thống cần thêm hàng triệu tấn gạo

Philippines nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam mới nhập khẩu được 2,7 triệu tấn gạo trong 8 tháng của năm 2024. Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này trong năm nay lên tới khoảng 4,5 triệu tấn.

Báo chí Philippines dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Francisco P. Tiu Laurel, Jr. cho biết: Trong 3 tháng qua (từ tháng 6 – 8), mỗi tháng nước này chỉ nhập khẩu khoảng 150.000 tấn gạo trong khi trước kia lượng nhập khẩu trung bình đến 400.000 tấn. Vì vậy hiện tại chưa đủ lượng gạo dự trữ.

Philippines giảm thuế đối với gạo nhập khẩu từ 35% xuống còn 15% cho đến năm 2028 với mục tiêu nỗ lực hạ giá mặt hàng lương thực quan trọng này. Hiện tại, giá gạo ở nước này vẫn duy trì mức cao do chính sách giảm thuế chưa đi vào cuộc sống vì lượng gạo nhập khẩu trước đây với mức thuế 35% vẫn chưa giải phóng hết.

Trong khi đó, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam là Indonesia vẫn cần nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo trong các tháng còn lại của năm 2024.

Ông Bayu Krisnamurthi, Giám đốc điều hành Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết: Tính đến ngày 30.8, Bulog đã ký hợp đồng nhập khẩu 2,7 triệu tấn gạo trong hạn ngạch được phân bổ là 3,6 triệu tấn cho năm nay. Nước này muốn nhập thêm 900.000 tấn gạo trong những tháng cuối năm 2024 để đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, mỗi tháng Indonesia mời thầu 300.000 tấn gạo. Việc mở thầu bị hoãn vào tháng 6 vì tình trạng ùn ứ ở cảng biển của nước này. Bulog liên tục tăng lượng gạo mời thầu trong 2 tháng gần đây. Tháng 7, hoạt động mở thầu được nối lại và tăng 20.000 tấn lên mức 320.000 tấn và tháng 8 tăng lên tới 350.000 tấn gạo.

Ấn Độ vẫn là ẩn số

Gần đây Ấn Độ cũng thông báo chính phủ đang cân nhắc việc nới lỏng chính sách cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati của nước này. Việc này nhằm mục đích giải phóng gạo dự trữ đang tăng lên sau khi lệnh cấm xuất khẩu kéo dài hơn 1 năm qua.

Trong một diễn biến đáng quan tâm trong chính sách gạo của Ấn Độ là nước này mới cho phép các nhà sản xuất ethanol tư nhân tham gia đấu giá các loại ngũ cốc trong các chương trình bán đấu giá công khai. Năm ngoái, cùng với hàng loạt chính sách hạn chế xuất khẩu gạo và bảo đảm an ninh lương thực, Ấn Độ đã cấm sử dụng gạo để sản xuất ethanol – một lĩnh vực sản xuất quan trọng của nước này.

Dù đây được xem là điểm đáng chú ý trong chính sách gạo của Ấn Độ nhưng ngược lại, việc xuất khẩu gạo ra nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào khi mới đây Liên đoàn Hợp tác Xúc tiến Nông nghiệp Quốc gia Ấn Độ (NAFED) thông báo mời thầu 40.000 tấn gạo tấm non-basmati xuất khẩu cho Senegal. Điều này cho thấy, Ấn Độ vẫn muốn tiếp tục chính sách xuất khẩu gạo qua đường ngoại giao.

Theo một số chuyên gia, có thể trong tháng 9 này Ấn Độ sẽ có điều chỉnh chính sách mới về gạo khi vụ kharif – lúa chính trong năm kết thúc. Song khả năng cao là có ít bất ngờ vì chính phủ nước này vẫn muốn ưu tiên cho đảm bảo an ninh lương thực và kiềm chế lạm phát cũng như duy trì chính sách xuất khẩu qua kênh ngoại giao. 

(Theo Thanhnien.vn)