Thương vụ Việt Nam tại Indonesia vừa cho biết, nước này sẽ chọn Việt Nam và Thái Lan là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây.
Theo thông tin từ Thương vụ, sau tuyên bố của Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 8/10/2023 về việc nước này sẽ cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023, ngoài 2 triệu tấn gạo dự trữ đã nhập khẩu trước đó, mới đây, Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Arief Prasetyo Adi tuyên bố xác nhận trước báo giới Indonesia rằng: Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây của nước này. “Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nước nhập khẩu chính” – ông Arief Prasetyo Adi tuyên bố.
Lãnh đạo Cơ quan hậu cần quốc gia – Preum Bulog (Cơ quan được Chính phủ Indonesia chỉ định là đơn vị nhập khẩu gạo) – ông Mokhamad Suyamto – Giám đốc chuỗi cung ứng và các dịch vụ công cũng khẳng định: “Preum Bulog sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan”.
Preum Bulog cho biết tất cả các giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đã được các Cơ quan hữu quan Indonesia ban hành và việc nhập khẩu sẽ được thực hiện sớm nhất bắt đầu từ cuối tháng 10/2023.
Để tận dụng tối đa cơ hội này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần lưu ý hướng dẫn của Bộ Công Thương trước đó về xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia. Theo đó, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần chủ động theo dõi sát tình hình thị trường.
Đồng thời, đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch. Ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho nông dân với giá có lợi.
Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Việt Nam công bố ngày 10/10/2023, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 9 tháng năm 2023 đạt 884.177 tấn với giá trị 462 triệu USD, tăng 17,7 lần về lượng và 19,2 lần về giá.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 9 tháng năm 2023 đạt giá trị 3,79 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Dư địa xuất khẩu gạo còn rất lớn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với thị trường xuất khẩu, giá gạo Việt Nam đang duy trì ở mức cao, ổn định trong nhiều tháng qua. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 613 USD/tấn; gạo 25% tấm dao động quanh mức 598 USD/tấn.
Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm loại lương thực khác thay thế.
Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới; một số nước như: Thái Lan, Pakistan… có sự giảm nhẹ.
Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định – giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi), trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam, với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu thị trường như hiện nay thì thu nhập của cả chuỗi ngành hàng đã có sự cải thiện rất nhiều so với những năm trước. Hiện nay dư địa xuất khẩu gạo còn rất lớn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có chiến lược đảm bảo hiệu quả xuất khẩu khi giá lúa đang tăng cao như hiện nay. Mặc dù nhu cầu thị trường gạo vẫn đang rộng mở nhưng với quy định bắt buộc dự trữ lưu thông tại các doanh nghiệp xuất khẩu, cùng với việc sản xuất lúa nối vụ tại Đồng bằng sông Cửu Long nên vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia luôn ở mức rất an toàn, không lo thiếu gạo cho thị trường nội địa.
(Theo Vtv.vn)