vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Kim ngạch xuất khẩu gạo 5 tháng tăng 38%, đạt 2,7 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu gạo 5 tháng tăng 38%, đạt 2,7 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới hơn 38% về giá trị so với cùng kỳ năm trước…

Kim ngạch xuất khẩu gạo 5 tháng tăng 38%, đạt 2,7 tỷ USD xk gao 1

Trong nửa đầu năm 2024, các bộ, ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lúa gạo Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thâm nhập, phát triển ở những khu vực, phân khúc thị trường mới, tiềm năng như khu vực thị trường châu Phi, Mỹ Latinh…

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong thời gian qua là vì nhu cầu lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng cao sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới) cấm xuất khẩu gạo thường. Hiện các thị trường chính như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana… đều tăng mua gạo Việt Nam, đặc biệt là Philippines.

Từ đầu năm tới nay, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này đạt 1 triệu tấn và khả năng sẽ vượt mốc 4 triệu tấn trong năm nay. Hiện gạo Việt Nam chiếm hơn 80% thị phần nhập khẩu mặt hàng này tại Philippines.

 CÓ DOANH NGHIỆP BÁN “DƯỚI GIÁ” CHUNG 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của nước ta cần tập trung nhận diện và có giải pháp căn cơ để khắc phục. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều, giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực.

“Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD, cao hơn 300 triệu USD so với năm 2023. Với kết quả 2,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, chắc chắn xuất khẩu gạo cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra”.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 5 – 8 USD/tấn. Trong đó, gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 8 USD, xuống còn 574 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 25% tấm giảm 5 USD, xuống còn 552 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo của Thái Lan là 620 USD/tấn (cao hơn 46 USD/tấn) và Pakistan là 593 USD/tấn (19 USD/tấn).

Vừa qua, một số doanh nghiệp trúng thầu xuất khẩu gạo với khối lượng lớn là tin vui đối với ngành gạo. Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố thông tin nhập khẩu gạo tháng 5 của nước này. Kết quả cho thấy trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, mức giá mà các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra lại thấp nhất trong số doanh nghiệp các nước tham gia đấu thầu. Trong đó, Công ty CP L.T trúng thầu 2 lô với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu (giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn). Công ty T.M trúng thầu 30.000 tấn, là đơn vị có giá chào thấp nhất trong số các doanh nghiệp dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn. Nếu so giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố là 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Công ty L.T thấp hơn đến 24 USD/tấn, còn Công ty T.M thấp hơn 22,5 USD/tấn.

Trong khi đó, khối lượng 60.000 tấn còn lại thuộc các doanh nghiệp sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu từ 621,5 – 629 USD/tấn. Đối thủ xuất gạo lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan có mức giá chào thầu là 656,5 và 658,5 USD/tấn.

GS Võ Tòng Xuân nhận định, hiện tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn có thói quen “ăn xổi”. Các doanh nghiệp này, thường có thói quen ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để cung cấp. Do đó, khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao và tăng nhanh, các doanh nghiệp thường trở tay không kịp.

“Để minh bạch giá gạo xuất khẩu, Việt Nam cần thiết phải lập sàn giao dịch (gạo) nhằm hài hòa lợi ích nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan. Cùng với đó, các Bộ, ngành cần phân loại rõ các nhóm gạo, loại gạo xuất khẩu, từ đó có thể phát triển thương hiệu gạo quốc gia, và rạch ròi về chất lượng, giá cả”, GS. Võ Tòng Xuân nêu quan điểm.

GIÁ SÀN XUẤT KHẨU GẠO?

Trong cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương về gỡ khó cho xuất khẩu nông sản, diễn ra vào cuối tuần vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo. VFA kỳ vọng việc áp giá sàn sẽ ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, từ đó đảm bảo giá trị hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện này đang có nhiều quan điểm trái chiều, một số doanh nghiệp phản đối gay gắt.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại phản đối việc đưa ra giá sàn trong xuất khẩu gạo. Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, cho rằng nếu áp giá sàn xuất khẩu gạo như đề nghị của VFA thì hoàn toàn phi nguyên tắc thị trường, bởi giá sàn sẽ không có giá trị khi giá thị trường quốc tế cao hơn giá sàn. 

“Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của VFA khi kiến nghị Thủ tướng áp giá sàn xuất khẩu gạo chỉ vì hai hợp đồng trúng thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với giá bình quân thấp hơn giá thị trường khoảng 15 USD/tấn trên tổng giá trị 580 USD/tấn. Với mức giá thấp hơn này không thể nói là doanh nghiệp phá giá”, ông Bá nói.

“Nếu VFA là đơn vị đưa ra giá sàn và trình lên Thủ tướng, nghĩa là các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ đều phải thông qua VFA để đăng ký, tức là thêm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp và không tránh khỏi điều gì đó ở đây. Giá là do người mua, người bán thiết lập chứ không phải do VFA có thể định ra được.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long.

Theo ông Trương Sỹ Bá, đặc thù của thị trường nông sản không những ở Việt Nam mà cả thế giới đó là thị trường tương lai. Nguồn cung bị ảnh hưởng rất lớn từ tác động thời tiết, mùa vụ và dịch bệnh, vì thế yếu tố tương lai sẽ quyết định đến xu hướng giá. Doanh nghiệp nào nhận định xu hướng giá tương lai giảm họ sẽ ký hợp đồng với mức giá giảm và họ vẫn có lãi.

“Ngược lại, trong trường hợp giá thị trường tăng, doanh nghiệp vẫn phải giao hàng và phải chấp nhận lỗ. Đây là chuyện kinh doanh của doanh nghiệp, không thể nói là sự ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực hay an ninh quốc gia hoặc ảnh hưởng lớn đến người dân”, ông Bá nêu quan điểm.

Các nước xuất khẩu gạo quanh chúng ta như: Myanmar, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan… cũng không có nước nào áp giá sàn xuất khẩu. Nếu quy định giá sàn, đến khi giá thị trường quốc tế thấp hơn giá sàn của nước ta, thì cầu của thị trường sẽ mua gạo của các nước khác trên thế giới như: Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan…

“Vô hình chung gạo Việt Nam sẽ không xuất khẩu được. Giá sàn lúc đó là một rào cản, giống như là cấm xuất khẩu. Như vậy làm cho nông dân Việt Nam sẽ không bán được hàng và giá nội địa sẽ giảm rất sâu”, ông Bá phân tích..

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Trong xuất khẩu gạo, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng”.

Do đó, Bộ trưởng khuyến nghị cần phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, cùng với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra thị trường quốc tế.

(Theo Vneconomy.vn)