Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU đã lấy lại sức tăng trưởng trong đầu năm 2024, cùng với đó là nhu cầu tăng của viên nén, ván và ván sàn.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương cho biết, sau 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ đạt 296 triệu USD, tăng 61,2%so với năm 2023. Đây là tín hiệu rất tích cực khi đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới rất khó đoán định, nhu cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm.
Dự báo trong cả năm 2024, xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ có nhiều cơ hội tăng trưởng bởi vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Cùng với đó, doanh nghiệp trong nước tiếp tục tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.
Một trong số đó là EVFTA. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 106 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này giảm đáng kể trong năm 2023 do nhu cầu của khối chịu ảnh hưởng bởi tác động của lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt và nhiều yếu tố khách quan đã kìm hãm sự tăng trưởng trên toàn EU.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) tổng kết, trong năm 2023, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU đạt 22,3 tỷ Euro (tương đương 24,3 tỷ USD), giảm 9,6% so với năm 2022. Việt Nam chịu ảnh hưởng khi tỷ trọng nhập khẩu chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU.
Dù vậy, thị trường này đang có xu hướng phục hồi nhanh, nhất là phân khúc đồ nội thất bằng gỗ. Ngay trong tháng 1/2024, nhóm mặt hàng này chiếm tới 73,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU, đạt 52,8 triệu USD, tăng 66,9% so với tháng 1/2023.
Ngoài ra, một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác xuất khẩu sang thị trường EU cũng tăng đáng kể trong tháng 1/2024 như gỗ viên nén và gỗ, ván và ván sàn.
Ông Trịnh Hữu Kiên, Tổng giám đốc Tập đoàn KES, doanh nghiệp chuyên sản xuất ván gỗ công nghiệp tại Bình Phước, thừa nhận châu Âu là điểm sáng trong giai đoạn đầu năm 2024. Đơn cử, công ty ông xuất khẩu sang Hà Lan tháng 1 tăng gần gấp đôi.
Dư địa của thị trường EU rất lớn nhưng yêu cầu của khối cũng rất khắt khe, theo ông Kiên. Doanh nghiệp ngoài việc phải đầu tư nhiều chi phí để cải thiện thiết bị và công nghệ, còn phải đối mặt với việc EU đang đẩy mạnh xu hướng đa dạng hoá nguồn cung, chuỗi cung ứng.
Khối này cũng đưa ra nhiều quy định mới, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… gọi chung là tiêu chuẩn xanh của EU. Trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh, tháng 6/2023, EU đã ban hành quy định chống phá rừng (EUDR) có hiệu lực vào cuối năm 2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất và suy thoái rừng.
Để tiếp tục duy trì giao thương, các công ty kinh doanh gỗ tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Từ tháng 10/2023, các quốc gia châu Âu đã gửi yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) tới đối tác. Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải chịu thêm chi phí, chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.
EU cũng đưa ra quy định về giới hạn mới về formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng. Đối với các sản phẩm và đồ nội thất bằng gỗ, giới hạn liên quan trong tương lai sẽ là 0,062 mg/m3. Một loạt những quy định mới khiến ông Kiên đưa ra nhận định: “Duy trì xuất khẩu sang EU là vấn đề không đơn giản”.
Theo đánh giá của Statista, vào năm 2024 thị trường nội thất tại châu Âu sẽ có doanh thu khoảng 236,8 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép 3,28%. Trong đó, phân khúc nội thất phòng khách ước đạt 62,73 tỷ USD vào năm 2024, chiếm ưu thế tại thị trường này.
Là ngành duy nhất trong nhóm nông, lâm, thủy sản đạt giá trị xuất khẩu “tỷ đô” ngay trong tháng 1/2024, ngành gỗ nhiều khả năng hoàn thành sớm mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD trong năm.
Dù vậy, giống như nhiều nhóm ngành hàng khác, gỗ và lâm sản ngoài gỗ cũng “đau đầu” vì vấn đề logistics. Nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) than phiền, rằng có những container hàng vận chuyển chi phí trước đây chỉ hơn 1.000 USD thì nay tăng đến hơn 6.800 USD. Lợi thế về giá của sản phẩm Việt Nam bị giảm đi đáng kể.
Để giải quyết, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã đề nghị doanh nghiệp chế biến gỗ đẩy mạnh liên kết với người trồng rừng và các chủ rừng để phát triển rừng gỗ lớn. “Việc này không chỉ người trồng rừng được hưởng lợi mà các doanh nghiệp cũng có thể chủ động được nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ, có nguồn gốc”, ông nói.
Hiện các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa phải thực hiện nghĩa vụ đo đếm lượng phát thải khí carbon, nhưng trong tương lai gần, họ có thể phải chịu điều này theo yêu cầu của EU cùng một số quốc gia khác. Vì lẽ đó, giảm phát thải, tránh rủi ro là yêu cầu tiên quyết lúc này.
Kinh tế thế giới năm 2024 có khả năng tăng trưởng khả quan hơn so với các dự báo đưa ra vào cuối năm 2023. Bằng chứng là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng dự báo mức tăng trưởng GDP lên 2,1%, cao hơn so với dự báo 1,4% hồi tháng 12/2023.
Theo nguồn tin từ Furniture Today, thị trường nội thất gỗ toàn cầu năm 2024 được dự báo tăng khoảng 5% so với năm 2023, ước đạt 660 tỷ USD. Điều này tạo cơ hội cho một số thị trường mới nổi như Indonesia thâm nhập thị trường toàn cầu.
Từ lâu, đồ nội thất Indonesia đã được biết đến với chất lượng đảm bảo, vật liệu bền và thân thiện với môi trƣờng, thiết kế độc đáo và sự khéo léo của các thợ thủ công Indonesia. Những thế mạnh cốt lõi này của các sản phẩm Indonesia được khách hàng quốc tế ghi nhận.
Năm 2023, ngành nội thất đóng góp 1,3% vào GDP của Indonesia, với trị giá xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Sự phát triển của ngành nội thất Indonesia còn được tiếp sức bởi Chính phủ, như các ưu đãi về thuế, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu.
(Theo Nongnghiep.vn)