Bảy tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,9 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,38 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng 6/2024 và tăng 22,7% so với tháng 7/2023; Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 981,1 triệu USD, tăng 14,9% so với tháng 6/2023 và tăng 30,4% so với tháng 7/2023.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đạt gần 9 tỷ USD
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,9 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023; Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực trong 7 tháng đầu năm 2024, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh… tăng trưởng khả quan.
Trong đó, dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, tăng 39,1%; Canada đạt 133,4 triệu USD, tăng 25,2%; Anh đạt 124,7 triệu USD, tăng 17,9%…
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, xu hướng thị trường tích cực sẽ thúc đẩy ngành gỗ có khả năng đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra là 17,5 tỷ USD trong năm 2024, bởi những tháng cuối năm có nhiều thuận lợi hơn, khi nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại các thị trường lớn tăng đáng kể để đáp ứng cho mùa lễ hội và thị trường nhà ở hoàn thiện cuối năm.
Một số thách thức cho tăng trưởng của ngành gỗ thời gian tới
Triển vọng nhìn chung là tích cực. Tuy nhiên đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức bởi tác động của sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, khó lường; các thị trường xuất khẩu ban hành nhiều quy định, chính sách mới; tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa có chiều hướng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp; giá cước vận tải biển tăng cao…
Đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ như Hoa Kỳ, việc Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của quốc gia này, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá. Các vụ kiện có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi kinh tế Hoa Kỳ cũng như thế giới đang có những khủng hoảng, ngành sản xuất tại Hoa Kỳ gặp khó khăn.
Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dẫn nguồn tin panelsfurnitureasia.com cho biết, hai tiêu chuẩn xanh về đồ nội thất tại Trung Quốc gồm “Tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm xanh cho đồ nội thất” và “Tiêu chuẩn thiết kế và đánh giá xanh cho đồ nội thất” đã được Cục Quản lý thị trường nhà nước (Ủy ban tiêu chuẩn nhà nước) của nước này sửa đổi và ban hành.
Trong đó, “Tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm xanh cho đồ nội thất” quy định các yêu cầu đánh giá đối với các sản phẩm đồ nội thất và bản sửa đổi này tinh chỉnh các chỉ số liên quan đến “năng lượng” và “carbon thấp”, tối ưu hóa các yêu cầu về tài nguyên, môi trường và các thuộc tính chất lượng.
“Tiêu chuẩn đánh giá và thiết kế xanh cho đồ nội thất” làm rõ các thuật ngữ và định nghĩa về thiết kế đồ nội thất xanh, đồng thời chỉ rõ các mục tiêu, nguyên tắc và yêu cầu đánh giá.
Bản sửa đổi tập trung vào việc xanh hóa giai đoạn thiết kế và đưa ra các yêu cầu về đánh giá toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ khâu lựa chọn nguyên liệu thô, sản xuất, bán hàng và sử dụng cho đến tái chế khi kết thúc vòng đời.
(Theo Tạp chí Công thương)