Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga, bà Oksana Lut cho biết, nước này dự định sẽ thu hoạch 2 triệu tấn gạo sau 3 năm nữa.
Nga đặt mục tiêu khôi phục xuất khẩu gạo
Theo đó, Nga đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần sản lượng gạo trong ba năm tới đây để khôi phục lại xuất khẩu loại lương thực này.
“Về thời hạn ngắn cho mục tiêu tham vọng là do khả năng thiếu hụt gạo trên thị trường châu Á. Nếu không đạt sản lượng này, Nga sẽ bỏ qua mất tiềm năng của thị trường châu Á”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga nhấn mạnh.
Theo Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat), sản lượng gạo của Nga năm 2023 đạt 1,066 triệu tấn so với 920,1 triệu tấn năm 2022.
Nga hiện đang gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo đến ngày 30/6/2024. Điện Kremlin cho biết, quyết định được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định thị trường nội địa. Quyết định của Nga được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu loại nông sản này để bình ổn giá trong nước.
Theo giới chuyên gia, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Nga nhằm bảo vệ thị trường nội địa sau khi tổ hợp thủy điện Fedorovsky ở vùng Krasnodar gặp sự cố vào tháng 4/2022. Chính sự cố này đã khiến sản lượng gạo của Nga năm 2022 giảm xuống còn 797,6 nghìn tấn so với mức 1,076 triệu tấn được ghi nhận của năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên Nga ghi nhận sản lượng gạo dưới 1 triệu tấn trong những năm gần đây.
Hiện nay nhiều vùng trồng lúa gạo của Nga tuyên bố đã đảm bảo sản lượng cho thị trường trong nước và lên kế hoạch tăng thu hoạch trong thời gian tới đây. Trước đó mỗi năm Nga xuất khẩu khoảng 180.000-240.000 tấn gạo.
Thái Lan muốn tăng ngân sách cho nông nghiệp
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã xin phê duyệt ngân sách tài chính năm tới ở mức 411 tỷ Baht (11,4 tỷ USD), cao hơn 3 lần so với ngân sách năm nay, dựa trên mục tiêu tăng gấp 3 lần thu nhập của nông dân trong vòng 4 năm đến năm 2028.
Ông Chantanon Wannakejohn, Tổng thư ký Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, cho biết: “Nguồn ngân sách nói trên dành cho các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn nhằm tăng thu nhập của nông dân vì đây là nhóm lao động lớn nhất cả nước”.
Theo ông Chantanon, kế hoạch ngắn hạn sẽ cần 81,6 tỷ Baht (2,3 tỷ USD) để thúc đẩy các hoạt động du lịch nông nghiệp, tìm kiếm thị trường mới, giải quyết các vấn đề về thủy sản, giải quyết các vấn đề nợ nần và ô nhiễm khói mù.
“Khoản ngân sách này cũng sẽ được sử dụng để thiết lập các kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng môi trường, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và ngăn chặn buôn lậu thịt”, Tổng thư ký Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp nhấn mạnh.
(Theo Congthuong.vn)