vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Ngành Hải quan đẩy mạnh hoạt động kiểm soát gỗ

Ngành Hải quan đẩy mạnh hoạt động kiểm soát gỗ

Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp được ký ngày 1/10/2021. Tuy nhiên, quá trình triển khai Thỏa thuận, cơ quan Hải quan cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lập phương án xử lý đối với số gỗ tịch thu.

Ngành Hải quan đẩy mạnh hoạt động kiểm soát gỗ 1220240820085710

Thỏa thuận gồm 20 điều, với mục tiêu tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép. Thỏa thuận đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống quản lý, đáp ứng thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo nội dung Thỏa thuận, Việt Nam sẽ tăng cường kiểm tra hải quan và sau thông quan đối với nguồn gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro, nguồn gỗ CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp); có tính đến nguy cơ khai thác gỗ trái phép, buôn bán gỗ bất hợp pháp và gian lận chứng từ trong việc đánh giá gỗ nhập khẩu; xác minh tính hợp pháp của gỗ khai thác trong nước bất kể điểm đến xuất khẩu và tăng cường kiểm tra các lô hàng gỗ nhập khẩu như tiến hành kiểm tra tương ứng với mức độ rủi ro của hàng hóa nhập khẩu có nghi ngờ; và khi đánh giá mức độ rủi ro của hàng nhập khẩu, có tính đến các yếu tố liên quan một cách thích hợp, như liệu quốc gia thu hoạch có liên quan đến nguy cơ cao về: (i) khai thác gỗ bất hợp pháp; (ii) buôn bán gỗ bất hợp pháp; hoặc (iii) tài liệu giả chứng nhận tính hợp pháp của gỗ.

Thực hiện các cam kết trên, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát gỗ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ ván ép, gỗ dán có số lượng tăng đột biến, đặc biệt là gỗ ván ép từ Trung Quốc để tránh việc lợi dụng nhập khẩu qua Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn lẩn trốn lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

6 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan đã kiểm tra, xác minh, phát hiện 10 vụ việc vi phạm xuất khẩu gỗ chủ yếu liên quan đến mặt hàng gỗ ván ép, ván bóc xuất khẩu đi Hoa Kỳ và EU. Một số vụ việc cơ quan Hải quan đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra xử lý theo thẩm quyền. Điều này cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại cần phải được kiểm soát chặt chẽ, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp phòng về thương mại đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Thỏa thuận, cơ quan Hải quan cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lập phương án xử lý đối với số gỗ tịch thu.

Theo Điều 3 của Thỏa thuận, gỗ tịch thu có thể xử lý theo hình thức: (i) tiêu hủy, (ii) trả về nước khai thác và (iii) bán đấu giá để sử dụng vào mục đích phi thương mại.

Trường hợp xử lý theo hình thức tiêu hủy sẽ gây lãng phí do số lượng gỗ tịch thu lớn, chất lượng gỗ còn tốt; trường hợp xử lý theo hình thức trả về nước khai thác thì không xác định được quốc gia khai thác; trường hợp xử lý bán đấu giá thì không có cơ chế để đảm bảo gỗ sau khi bán sẽ sử dụng vào mục đích phi thương mại; trường hợp xử lý theo hình thức điều chuyển cho lực lượng Kiểm lâm thì thực hiện chưa thống nhất do chưa có quy định cụ thể cho trường hợp này.

Nội dung này đã được Tổng cục Hải quan báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại công văn số 69/BTC-BCĐ389 ngày 17/7/2024. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý công sản đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP nhằm đáp ứng các yêu cầu tại Thỏa thuận về phương án xử lý gỗ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý gỗ tịch thu của cơ quan Hải quan.

(Theo Haiquanonline.com.vn)