Giá tăng phi mã đã đưa tiêu – “vàng đen” của Việt Nam – trở lại thời hoàng kim. Chỉ sau 11 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu được 235.335 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,217 tỷ USD, chủ yếu là 2 mặt hàng tiêu đen và tiêu trắng.
Như vậy, sau đúng 1 thập kỷ, xuất khẩu hạt tiêu chính thức quay lại là nông sản tỷ USD của nước ta (năm 2014 đạt 1,2 tỷ USD).
Các thị trường lớn đều tăng nhập khẩu hồ tiêu
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, trong tháng 11, xuất khẩu hồ tiêu của nước ta đạt 15.948 tấn các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong tháng đạt 106,5 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 11 đạt 6.513 USD/tấn, tiêu trắng đạt 8.286 USD/tấn, tăng lần lượt 229 USD đối với tiêu đen và 57 USD đối với tiêu trắng so với tháng 10/2024.
Lũy kế 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 235.335 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu men đạt 207.498 tấn, tiêu trắng đạt 27.837 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,217 tỷ USD, trong đó tiêu đen đạt 1 tỷ 36,1 triệu triệu USD, tiêu trắng đạt 181,5 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2023 lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm 3,5%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 46,9%. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu cả 2 loại mặt hàng tiêu đen và tiêu trắng đều tăng cao.
Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 11 tháng đạt 5.073 USD/tấn, tăng 47,3%; tiêu trắng đạt 6.772 USD/tấn, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau một quãng thời gian dài “tụt dốc”, 2024 là năm đánh dấu ngành hồ tiêu Việt Nam trở lại bảng xếp hạng nông sản xuất khẩu tỷ USD.
Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu là Olam Việt Nam với 25.249 tấn, tăng 44,9%; Công ty CP Phúc Sinh 21.287 tấn, tăng 49,4%; Nedspice Việt Nam 18.887 tấn, tăng 7,9%; Haprosimex JSC 17.097 tấn, tăng 70,6%…
Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu hơn 20 năm, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho biết, 2024 là một năm hoàn hảo để nhìn lại những huy hoàng và cả những cuộc vật lộn ở trong quá khứ của ngành hàng hạt tiêu.
Trong quá khứ, giá tiêu tại Việt Nam đã có đợt tăng mạnh từ năm 2010 đến đỉnh điểm là năm 2015.
Lúc đó, hạt tiêu trở thành ngành tỷ USD và giá 1 tấn hạt tiêu tương đương với 6,5 cây vàng hay 10.700USD. Đây cũng chính là lý do để ví hồ tiêu là “vàng đen” lúc bấy giờ.
Được giá, những người trong chuỗi sản xuất tiêu bắt đầu đầu cơ. Theo quan sát của ông Thông, giai đoạn 2015 rất nhiều nông hộ lúc đó còn trữ 3 tấn, 5 tấn tiêu trong nhà, họ kỳ vọng giá tăng lên 250 triệu đồng/tấn mới bán.
Nghịch cảnh xảy ra ngay sau đó, giá tiêu đã quay đầu giảm không ngừng. Đến năm 2019, giá tiêu chỉ còn 36 triệu đồng/tấn, “bốc hơi” 85% trong 3,5 năm.
Sản lượng hạt tiêu của Việt Nam lúc đó cũng cao đỉnh điểm, gần 300.000 tấn – một con số kỷ lục khi tăng từ mức 122.000 tấn. Điều này đã đẩy nhiều người dân vào cảnh nợ nần, phả sản, nhiều nương rẫy trồng tiêu bị bỏ hoang.
Theo ông Phan Minh Thông, cây tiêu khó trồng và khó chăm sóc, nếu không được tưới theo chu kỳ và không chăm sóc thường xuyên sẽ rất dễ chết.
Do cơn khủng hoảng hồi năm 2015, khiến nhiều người bỏ bê mảng tiêu. Tính đến cuối năm 2023, sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 170.000 tấn và năm 2024 giảm còn khoảng 160.000 tấn, tức là giảm gần một nửa so với thời đỉnh cao 300.000 tấn năm 2015.
Tìm cách giữ vị thế tỷ đô
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế. Về dài hạn, giá hạt tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ, bởi sản lượng mặt hàng này của Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm.
Vụ hạt tiêu năm 2025 ở nước ta sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài.
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, lượng hạt tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp.
Dự báo trong 3–5 năm tới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Các chuyên gia nông nghiệp cũng đồng tình hạt tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này sẽ kéo dài 10-15 năm và giá có thể đạt đỉnh, thậm chí lên tới 350.000 – 400.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Tấn Công – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nam Yang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai), sau nhiều bài học kinh nghiệm, thay vì chọn trồng thuần thì người dân bây giờ chú trọng các mô hình trồng hồ tiêu xen canh, đa canh với cà phê và các loại cây ăn quả.
Phát triển hồ tiêu theo hướng trồng xen canh, đa canh sẽ manh tính bền vững, qua đó giảm chi phí đầu tư và hạn chế rủi ro về dịch bệnh, hướng đến nền nông nghiệp an toàn.
Khi đó, người dân cũng sẽ không sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trên cây trồng, thay vào đó là các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ để mang lại sự lâu bền cho vườn cây.
(Theo Danviet.vn)