Trong 9 tháng của năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu một lượng gạo có giá trị khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Bên cạnh gạo, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn nông sản khác như điều, cà phê. Chính việc đa dạng hóa nguồn cung đã giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng của năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, tương đương 4,37 tỉ đô la Mỹ, nhưng cũng bỏ ra khoảng 996 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu gạo nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Con số gần 1 tỉ đô la này gây chú ý vì trong năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu chỉ ở mức 860 triệu đô la Mỹ, tức là Việt Nam đang có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn sau mỗi năm.
Xu hướng này cũng phần nào tương tự với một số mặt hàng khác như điều. Việt Nam năm 2006, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ – để trở thành nhà xuất khẩu hạt điều số một thế giới. Và để giữ vị thế này, mỗi năm ngành điều phải nhập khẩu một lượng điều thô để chế biến.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 644.120 tấn điều nhân, giá trị 3,64 tỉ đô la, còn nhập khẩu 2,75 triệu tấn điều thô, tăng 45,7%, với trị giá 3,17 tỉ đô, tăng gần 19%. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 424.000 tấn, trị giá 2,37 tỉ đô la, tăng 26,4% về lượng và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, Việt Nam chi ra 2,2 tỉ đô la để nhập khẩu trên 1,8 triệu tấn điều thô để phục vụ sản xuất xuất khẩu và một phần tiêu dùng trong nước, tăng 6% về lượng và 3,3% về trị giá.
Mặt hàng cà phê cũng có trong xu hướng này, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ 2022-2023, Việt Nam đã nhập khẩu 102.100 tấn cà phê với giá trị là 300 triệu đô la, tăng hơn 14% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với niên vụ 2021-2022. Trong niên vụ 2022-2023, lượng cà phê đã nhập về của Việt Nam là 98.600 tấn, tương đương 246 triệu đô la Mỹ, tăng 19% về khối lượng và tăng 23% về kim ngạch so với niên vụ 2021-2022. Những dữ liệu này cho thấy, Việt Nam có xu hướng nhập khẩu cà phê ngày càng tăng.
Theo VICOFA, từ nhiều năm nay, không chỉ có cà phê mà những nông sản khác như hạt điều, gạo để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Đối với mặt hàng cà phê, các doanh nghiệp có xu hướng nhập khẩu nhiều từ Lào thì điều thô và gạo Việt Nam lại nhập nhiều từ Campuchia. Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về thị trường nông sản đã dự báo, năm 2024, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu từ 8,3 – 8,6 triệu tấn. Cùng với đó, Việt Nam phải nhập một lượng gạo từ Campuchia dao động từ 2,6-2,9 triệu tấn, đúng bằng lượng gạo mà nước này xuất khẩu trong năm 2024. Theo USDA, nếu Philippines, Indonesia là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam thì Campuchia là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Trước đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi tiếp xúc với báo chí cũng nhận được câu hỏi vì sao Việt Nam là một nước có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản nhưng vẫn nhập khẩu những mặt hàng này. Sau đó, phía bộ trả lời rằng, đây là một xu hướng không thể tránh khỏi trong thương mại toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam có thể mạnh về thị trường đầu ra, hệ thống logistic tốt hơn các nước khu vực nên doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Vì thế, chuyện doanh nghiệp nhập khẩu nông sản từ các thị trường, đặc biệt là thị trường lân cận là một xu hướng bình thường trong thương mại.
(Theo Thesaigontimes.vn)