Lượng cà phê xuất khẩu có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. Tháng 4, lượng cà phê xuất khẩu chỉ đạt 152.073 tấn, trị giá gần 573 triệu USD.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 tăng 34 USD/tấn, ở mức 3.433 USD/tấn, giao tháng 9/2024 tăng 38 USD/tấn, ở mức 3.364 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 4,8 cent/lb, ở mức 200,85 cent/lb, giao tháng 9/2024 tăng 4,65 cent/lb, ở mức 199,9 cent/lb.
Giá cà phê Robusta chịu áp lực giảm khi các cơn mưa xuất hiện nhiều hơn ở vùng Tây Nguyên (Việt Nam), giúp cải thiện phần nào điều kiện sinh trưởng của cây cà phê. Giá cà phê Arabica chịu áp giảm mạnh hơn cà phê Robusta trong bối cảnh nguồn cung từ Brazil đang ngày càng tăng lên khi nước này bước vào chính vụ thu hoạch.
Giá cà phê trong nước điều chỉnh giảm nhẹ, giao dịch dao động trong khoảng 99.700 – 100.800 đồng/kg. Giá hiện đã giảm tới 25% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 4.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 100.700 đồng/kg. Tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 101.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H’leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 101.700 đồng/kg.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 101.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 101.600 đồng/kg ở Đắk R’lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 101.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 101.1400 đồng/kg.
Dù đã quay đầu tăng nhưng có thể thấy giá cà phê đã mất khoảng 24- 25% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 4, tương đương khoảng 29.000-30.000 đồng/kg.
Chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình nhận định, cà phê 2 sàn lấy lại đà tăng sau phiên giảm đầu tuần, nguyên nhân một phần do đồng USD suy yếu. Tuy nhiên lượng giao dịch trên sàn giảm đáng kể. Chuyên gia suy đoán đầu cơ chưa mua vào sau đợt bán tháo mạnh trước đó.
Rạng sáng 15/5 trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,20%, xuống mốc 105,02.
Đồng USD quay đầu giảm vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi giá sản xuất của Mỹ tăng bất ngờ trong tháng 4/2024, trong bối cảnh chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh, cho thấy lạm phát vẫn đang neo ở mức cao vào đầu quý II.
Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài (FAS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2023/24 của Brazil sẽ tăng 12,8% so với cùng kỳ, lên 44,9 triệu bao do năng suất cao hơn và diện tích trồng tăng. FAS cũng dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 tại Colombia, nước sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới, sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ lên 11,5 triệu bao.
Thị trường cà phê thế giới đang tiếp tục theo dõi thời tiết tại Việt Nam và tiến độ thu hoạch ở cả Indonesia và Brazil hiện nay.
Dữ liệu mới cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam đã xuất khẩu 737.797 tấn cà phê trong 4 tháng đầu năm với tổng kim ngạch cao kỷ lục 2,5 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng tới 53,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá tăng cao.
Đáng chú ý, lượng cà phê xuất khẩu đang có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. Tính riêng trong tháng 4, khối lượng cà phê xuất khẩu chỉ đạt 152.073 tấn, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, xác lập tháng thứ 3 liên tiếp lượng cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái, dấu hiệu cho thấy nguồn cung trong niên vụ hiện tại đang ngày càng cạn dần.
Tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024), xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,1 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ niên vụ 2022 – 2023. Với kết quả này, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 65 – 70% trong tổng số sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại.
Nhận định về triển vọng giá cà phê trong thời gian tới, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, giá khó có thể quay về mức đỉnh như cũ, có thể giá sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm nhưng vẫn sẽ cao hơn so với mức giá thông thường trước đây.
So với mức đỉnh, gần 140.000 đồng/kg, được thiết lập hồi cuối tháng 4 vừa qua, giá cà phê Robusta nhân xô trong nước đã giảm khoảng 25%. Tuy nhiên, với khoảng giá 100.000 đồng/kg hiện nay, giá cà phê cũng đang cao hơn gấp 2,5 lần so với mức giá thông thường.
Các chuyên gia dự báo năm 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt đến 5 tỷ USD nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có sự bứt phá về giá. Cùng với nhu cầu thế giới tăng cao, một số sản phẩm cà phê nhân được sử dụng rang xay làm hòa tan trong nước, nên nhu cầu nội địa cũng tăng.
Việt Nam hiện là nước sản xuất và cung cấp cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã cần xây dựng chiến lược xuất khẩu để tận dụng tối đa những lợi thế hiện có.
Hiện, cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
(Theo Congthuong.vn)