Kim ngạch xuất khẩu điều năm 2021 ước đạt 3,63 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giữa tháng 12, các doanh nghiệp nước ta đã nhập khẩu tới 2,83 triệu tấn điều thô, tiêu tốn 4,119 tỷ USD. Như vậy đây là năm đầu tiên ngành điều rơi vào tình thế thâm hụt thương mại, với nhập siêu khoảng 600 triệu USD…
Năm 2021 có nhiều biến động lớn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều, chứng kiến tình trạng nhập khẩu ồ ạt hạt điều thô nguyên liệu. Đặc biệt trong bối cảnh vừa phải đối mặt với tình hình giãn cách xã hội để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, vừa phải ứng phó với tình trạng thiếu container, chi phí logistics tăng cao khiến lợi nhuận của ngành điều phải san sẻ vào những phát sinh này.
HOA KỲ VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ LỚN NHẤT
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả xuất khẩu điều năm 2021 ước đạt 577.400 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,63 tỷ USD, tăng 12% về lượng và 13% về giá trị so với năm 2020.
Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 33% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đối với thị trường châu Âu, chiếm tỷ trọng hơn 24% kim ngạch xuất khẩu điều cả nước. Với thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 14% kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam.
Hiện nay, hai thị trường có dấu hiệu sẽ tăng mạnh nhập khẩu hạt điều Việt Nam là Đức và Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, theo cơ quan thống kê châu Âu, nhập khẩu hạt điều của Đức chiếm khoảng 29% trong tổng lượng và kim ngạch toàn khối. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Đức liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân.
Cơ cấu xuất khẩu sản phẩm nhân điều của Việt Nam nhìn chung có sự biến động, ngoài việc tập trung xuất khẩu chủng loại hạt điều chính W320 và W240, ngành điều Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hạt điều có giá trị cao như hạt điều W180. Hạt điều W180 là chủng loại hạt điều có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2021, tăng 43,4% về lượng và tăng 56% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt xấp xỉ 15 nghìn tấn, trị giá 127 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều W180 đạt 8.515 USD/tấn, tăng 8,8% so với năm 2020.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực hạt điều W180, lượng đạt 7,74 nghìn tấn, trị giá 61,21 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và tăng 53,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; tiếp theo là thị trường Israel với lượng đạt 1,61 nghìn tấn, trị giá 15,3 triệu USD, tăng 65,5% về lượng và tăng 59,3% về trị giá.
Khi giá cước vận chuyển, logistics tăng cao trong những tháng qua khiến giá hạt điều Việt Nam khó cạnh tranh với hạt điều Ấn Độ và Brazil, ngành điều Việt Nam đã tranh thủ khai thác các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường ngách của Liên minh châu Âu.
Việc mở rộng hình thức vận tải sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Đoàn tàu chở container điều từ Hà Nội sang Bỉ đã đánh dấu mở thêm tuyến đường vận tải vào sâu nội địa châu Âu, giúp ngành điều thuận lợi hơn.
CHI HƠN 4 TỶ USD NHẬP KHẨU ĐIỀU THÔ
Nhập khẩu điều thô trong năm nay tăng đột biến cả về lượng lẫn giá trị. Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 12/2021, nước ta đã nhập khẩu tới 2,83 triệu tấn điều thô, trị giá 4,119 tỷ USD. Như vậy, nhập khẩu điều thô năm nay có 2 cột mốc rất đáng chú ý. Thứ nhất là lượng điều thô nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tấn và trị giá nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD.
Điều đáng nói ở chỗ, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam chưa bao giờ chạm mốc 4 tỷ USD (năm đạt cao nhất là 2017 với hơn 3,5 tỷ USD). Trước đây, năm mà ngành điều phải bỏ ra nhiều ngoại tệ nhất để nhập khẩu điều thô là 2017 với 2,574 tỷ USD. Năm nhập khẩu điều thô nhiều nhất là 2019 với hơn 1,6 triệu tấn.
Theo thông tin từ https://www. mordorintelligence.com, nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu dự báo tăng trưởng bình quân 4,6%/năm trong giai đoạn 2021 – 2026. Đại dịch Covid-19 có tác động trực tiếp và bất lợi đến thị trường hạt điều trên toàn cầu. Việc giãn cách xã hội để kiềm chế và ngăn chặn đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến các kênh phân phối.
Trong khi đó, xu hướng toàn cầu đang ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật, ưu tiên các nguồn protein thay thế cho các nguồn protein từ động vật. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc sử dụng hạt điều trong chế độ ăn uống thông thường và các món nhẹ ăn liền lành mạnh. Sự gia tăng số lượng các nhà sản xuất thực phẩm dựa trên hạt điều đã khiến cả người tiêu dùng trẻ tuổi và người lớn tuổi quan tâm tới sản phẩm này.
Nhu cầu đối với hạt điều ở châu Á liên tục tăng, nhập khẩu hạt điều có vỏ tăng mạnh từ 2.317 tấn năm 2016 lên 10.771 tấn năm 2018 tại Trung Quốc. Trung Quốc dẫn đầu khu vực về nhập khẩu hạt điều, tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ.
Các loại hạt đã trở thành một thành phần chính trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc kể từ khi Chính sách Y tế Quốc gia ra đời có tên là “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc”, nhấn mạnh đến việc tiêu thụ các loại hạt hàng ngày.
Dự báo xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ thuận lợi trong năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ hạt điều của châu Âu, Hoa Kỳ tăng theo yếu tố chu kỳ. Nhiều doanh nghiệp chế biến điều lớn của Việt Nam đã có đơn hàng giao năm 2022.
Với lượng nhân điều nhập về còn tồn kho khá nhiều, ngành điều hy vọng trong năm mới, nhập khẩu hạt điều nguyên liệu sẽ giảm, xuất khẩu nhân điều chế biến sẽ tăng mạnh, để thặng dư thương mại của ngành năm 2022 tăng cao, bù đắp giá trị lợi nhuận thâm hụt trong năm 2021 vừa qua.
(Theo Vneconomy.vn)