vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Nhu cầu thị trường yếu khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ

Nhu cầu thị trường yếu khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ

Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ xuống còn 396 USD/tấn trong bối cảnh thị trường toàn cầu ảm đạm, nhu cầu yếu.

Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự tăng/giảm nhẹ ở một số loại. Theo Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, tuần qua, giá lúa khô loại IR 50404 ở Vĩnh Long duy trì ở mức 6.600 đồng/kg; Hậu Giang là 8.300 đồng/kg; Tiền Giang 6.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg…

Với OM18, tại Cần Thơ là 7.500 đồng/kg; Sóc Trăng là 8.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Hậu Giang là 8.600 đồng/kg… Với lúa Jasmine, tại Cần Thơ là 8.400 đồng/kg; Tiền Giang là 7.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg… Lúa Đài thơm 8 ở Sóc Trăng là 7.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; ST 25 tại Cần Thơ vẫn là 9.500 đồng/kg…

Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm trong tuần này niêm yết ở mức 396 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 397 USD của tuần trước. 

Nhu cầu thị trường yếu khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ FireShot Capture 387 Nhu cau yeu thi truong am dam khien gia gao xuat khau cua

Một trong những nước nhập khẩu gạo Việt Nam là Indonesia mới đây đưa ra thông tin lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay do sản lượng nội địa tăng mạnh và kho dự trữ gạo dồi dào, giúp nước này tự tin đảm bảo nguồn cung trong nước. Song theo nhiều doanh nghiệp, động thái trên sẽ không tác động nhiều do phân khúc gạo bán tại thị trường Indonesia là phân khúc giá thấp, nguồn gạo này của Việt Nam không dư thừa nhiều.

Bởi vậy, việc Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay cũng không đáng ngại đối với gạo Việt. Thêm vào đó, Việt Nam có ưu thế gạo chất lượng cao được ưa chuộng tại các thị trường cao cấp như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Liên quan đến giá gạo giảm, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất – thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, việc Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đã kéo giá gạo xuất khẩu tại nhiều nước giảm; trong đó có Việt Nam.

Hiện giá gạo xuất khẩu đã quay về mức giá của những năm 2020-2021 nhưng cao hơn một chút. Đây cũng là mức giá hợp lý. Từ nay đến cuối năm 2025, giá lúa gạo trong nước sẽ không biến động nhiều so với năm 2023-2024, ông Thành dự báo.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 3,43 triệu tấn, tương đương gần 1,77 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng, nhưng giảm 13,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2024. Giá gạo trung bình đạt 515 USD/ tấn, giảm gần 20% so cùng kỳ; thị trường xuất khẩu gạo của nước ta lớn nhất là Philippines (chiếm hơn 43%), Bờ Biển Ngà nhập khẩu đứng thứ 2 (chiếm gần 13%) và Trung quốc (chiếm 10,5%)…

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo trong năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường công tác thông tin thị trường; chủ động biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Thông tin thêm về vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, đầu năm 2025, Chính phủ có Nghị định số 01/2025/NĐ-CP là nghị định đầu tiên của năm 2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. “Trong đó, Chính phủ đã đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, bảo đảm chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới”, Thứ trưởng Tân thông tin.

(Theo Thuonghieuvaphapluat.vn)