Phân loại để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Tại Buổi giới thiệu hướng dẫn phân loại doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu gỗ theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (NĐ102) do Chi hội Gỗ dán Việt Nam (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) tổ chức chiều ngày 1/11, bà Nguyễn Tường Vân – Chuyên gia VPA/FLEGT (thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) của Cục Kiểm Lâm đã hỗ trợ tập huấn về phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.

Lý giải nguyên nhân cần phân loại DN chế biến, xuất khẩu gỗ, bà Nguyễn Tường Vân cho hay, trước tiên các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã ban hành quy định pháp luật về gỗ hợp pháp ngày càng nghiêm ngặt.

Phân loại doanh nghiệp đảm bảo tính hợp pháp trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ ba van20241101154756

Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia ký kết như Hiệp định Đối tác tự nguyện thực thi luật lâm nghiệp và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với châu Âu (EU) năm 2019; Thỏa thuận về chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp với Hoa Kỳ năm 2021 nhằm cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng, đáp ứng các quy định của EU.

“EU, Hoa Kỳ yêu cầu cơ quan chức năng của Việt Nam phải xác minh từng lô hàng trước khi xuất khẩu sang các thị trường này để đảm bảo là gỗ hợp pháp. Trong khi đó, ước tính hàng năm Việt Nam xuất khẩu hàng triệu lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cơ quan chức năng của Việt Nam không thể xác minh từng lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ trước khi xuất khẩu. Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các DN chế biến và xuất khẩu gỗ” – bà Vân nêu rõ.

Ngoài ra, Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU nhất trí rằng, thay cho việc xác minh từng “lô gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu’’ sang EU thì Việt Nam chuyển sang xác minh sự tuân thủ của “DN trong chuỗi cung ứng” để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) và không ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của DN.

Theo bà Vân, mục tiêu phân loại DN là đánh giá mức độ rủi ro của các DN trong chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam về việc tuân thủ pháp luật theo yêu cầu của Hệ thống VNTLAS. Bên cạnh đó, đây là cơ sở để các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xác minh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ và cấp phép FLEGT cho lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU một cách phù hợp, hiệu quả và kịp thời; đồng thời, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích DN tuân thủ pháp luật.

Phân loại doanh nghiệp có nhiều lợi ích

Bà Nguyễn Tường Vân cho biết thêm, phân loại DN được thực hiện thông qua hệ thống thông tin phân loại DN. Hiện nay hệ thống này đang được xây dựng và thí điểm, chưa đưa vào hoạt động nên việc phân loại DN thực hiện bằng hình thức nộp trực tiếp đến cơ quan tiếp nhận.

Phân loại DN được vận hành liên tục trên cơ sở thường xuyên cập nhật thông tin về quá trình hoạt động và chấp hành pháp luật của DN, thông qua cơ chế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm của DN và kết quả xác minh của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. DN phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại NĐ102.

Tuân thủ pháp luật trong việc thành lập và hoạt động DN gồm: Tuân thủ quy định pháp luật về thành lập DN; tuân thủ pháp luật về môi trường; tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống chữa cháy; tuân thủ pháp luật về nhập, xuất lâm sản; tuân thủ pháp luật về thuế và lao động.

Ở góc độ DN, bà Đặng Thị Thái – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Hùng (Hà Nội) cho hay, việc phân loại DN có nhiều lợi ích, trong đó giúp đảm bảo tính hợp pháp trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ. Đặc biệt nếu DN được xếp hạng nhóm I, DN sẽ dễ dàng, thuận tiện trong khai báo hải quan và thực hiện các thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng.

Về phía chi hội, ông Trịnh Xuân Dương – Chi hội trưởng Chi hội Ván dán nhấn mạnh, mỗi năm có hàng triệu container lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ cần kiểm tra trước khi thông quan, cần rất nhiều nhân lực, nguồn lực để kiểm tra… Ngành gỗ hiện nay có hơn 1.600 DN xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, khi đánh giá số lượng DN này sẽ nhanh hơn so với đánh giá từng container hàng.

“Như vậy, việc phân loại DN có tác dụng là đánh giá về sự uy tín của DN bởi nguyên tắc khi tham gia hội nhập là đánh giá sản phẩm nhưng sản phẩm đó tốt hay xấu là do DN chứ không phải do sản phẩm; đồng thời tiết kiệm nhân lực, nguồn lực trong quá trình kiểm tra, tạo điều kiện DN xuất khẩu hàng hóa nhanh hơn” – ông Dương nói.

Tuy nhiên, theo ông Dương, để việc phân loại đạt hiệu quả, cần có lộ trình phân loại từ thị trường đến quy mô, chế biến của DN.

Căn cứ pháp lý để phân loại doanh nghiệp là theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 quy định phân loại DN chế biến và xuất khẩu gỗ; Quyết định số 1303/QĐ-BNN-TCLN, ngày 13/4/2022 của Bộ NN&PTNT về việc công bố thủ tục hành chính, sửa đổi bổ sung Quy định phân loại DN chế biến và xuất khẩu gỗ.

(Theo Thoibaotaichinhvietnam.vn)