Cà phê Việt Nam không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp quan trọng mà còn là niềm tự hào của đất nước trên bản đồ thế giới. Với vị thế là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai toàn cầu, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong ngành hàng này.
Cà phê Việt Nam có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, niên vụ 2023 – 2024, cả nước xuất khẩu cà phê đạt 1.476.842 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,425 tỷ USD. Riêng tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 264.404 tấn cà phê, chiếm tỷ trọng 17,9% so với cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16,9%. Nhờ sản lượng lớn và chất lượng ngày càng được cải thiện, cà phê Việt Nam có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Đắk Lắk nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, từ lâu đã nổi danh với những vùng cà phê bạt ngàn, được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”. Những năm qua, địa phương này đã không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột”, cà phê Đắk Lắk tiếp tục có tiềm năng mở rộng ra các thị trường cao cấp, đòi hỏi chất lượng cao.
Tuy nhiên, ngành cà phê ở Đắk Lắk cũng như cả nước đang đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và yêu cầu khắt khe từ các đối tác quốc tế. Trong đó, Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) là một rào cản mới, đòi hỏi sản phẩm cà phê phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến rừng tự nhiên.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, biến đổi khí hậu đang có tác động sâu rộng đến ngành cà phê Việt Nam. Những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, cùng sự tấn công của sâu bệnh đã khiến năng suất và chất lượng cà phê suy giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người trồng cà phê cũng như nền kinh tế – xã hội.
Một vấn đề lớn khác là hiện nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn chủ yếu là cà phê nhân. Dù mặt hàng cà phê hòa tan đã tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng các sản phẩm chế biến sâu khác như cà phê rang, cà phê bột vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Giá trị cà phê Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc phân khúc cấp thấp, tổ chức sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều và công nghệ chế biến còn hạn chế… Hiện nay, hơn 90% cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp.
Đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển xanh
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, ngành cà phê cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại, nâng tỷ lệ chế biến sâu lên 30-40% vào năm 2030, thay vì dưới 10% như hiện tại.
Ông Thái Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, nhận định rằng xu hướng tiêu dùng hiện nay ưu tiên các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường. Bởi vậy, ngành cà phê Việt Nam cần tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng như cà phê hòa tan, viên nén, đặc sản để tham gia sâu hơn vào chuỗi cà phê thế giới.
Việc xây dựng thương hiệu cũng là một yếu tố quan trọng. Đơn cử, với chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã được bảo hộ tại hơn 100 quốc gia, cà phê Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng rất cao nhưng cũng mang lại giá trị kinh tế lớn.
Ngoài ra, sản xuất cà phê theo hướng bền vững và tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Các mô hình canh tác thân thiện với môi trường, giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp đang được khuyến khích. Điều này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), mở rộng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng: “Trong bối cảnh diện tích có hạn, năng suất và sản lượng đã đạt đến ngưỡng, để gia tăng giá trị của cà phê xuất khẩu, cần tập trung vào chế biến sâu và định hình thương hiệu cho ngành hàng”.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào chế biến sâu. Các sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ, cà phê hòa tan chất lượng cao ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội lớn cho ngành cà phê Việt Nam nâng cao vị thế và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Thách thức lớn từ quy định chống phá rừng của EU
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của cà phê Việt Nam là quy định chống phá rừng (EUDR) sẽ có hiệu lực từ năm 2026. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) EUDR, yêu cầu cà phê, cao su, gỗ, ca cao… xuất khẩu vào EU phải truy xuất nguồn gốc, không liên quan đến phá rừng sau 31/12/2020. Doanh nghiệp vi phạm bị phạt đến 4% doanh thu và bị loại khỏi thị trường EU.
Trong bối cảnh EU áp dụng EUDR, ông Thái Như Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, thời điểm đầu, doanh nghiệp (DN) buộc phải đầu tư hệ thống truy xuất nguồn gốc, giám sát sản xuất và giảm phát thải carbon đối với cà phê, cao su, gỗ, ca cao… xuất khẩu vào EU từ 30/12/2024. Nhưng sau đó EU quyết định gia hạn thực thi EUDR thêm 12 tháng, lùi mốc áp dụng với doanh nghiệp lớn sang 30/12/2025, trong khi đó DN nhỏ lùi sang 30/6/2026.
Sau thời điểm này nếu các DN xuất khẩu cà phê, cao su, gỗ… vào EU không đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ bị loại khỏi thị trường này.
EUDR là quy định mới nhất của EU liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng. Trong các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU, cà phê là mặt hàng nông sản sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi quy định này được áp dụng. Theo đó, 100% sản phẩm cà phê Việt Nam khi nhập khẩu vào EU cần có hệ thống thông tin rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và áp dụng truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Thái Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 2-9 (Simexco Đắk Lắk), thị trường xuất khẩu cà phê chính vẫn là EU (41%), Mỹ (6%), Nhật Bản (10%)… Tuy nhiên, ngành cà phê Việt đang đối mặt với những thách thức lớn từ quy định chống phá rừng của EU (EUDR), nhu cầu tiêu dùng thay đổi và xu hướng phát triển cà phê bền vững.
Niên vụ cà phê 2023 – 2024 chứng kiến biến động giá cao và nhanh nhất trong lịch sử ngành cà phê. Song song với việc người nông dân được hưởng lợi từ giá cao, cũng xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng, gây khó khăn và rủi ro cho các DN xuất khẩu đã cam kết với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia nhập khẩu tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng và quy trình sản xuất. Điều này tạo ra cơ hội cho DN sản xuất cà phê chất lượng cao nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn.
Hướng đến mục tiêu 20 tỷ USD và đảm bảo nông dân được hưởng lợi xứng đáng
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ngành cà phê đang đứng trước nhiều thách thức và cần phải có những kế hoạch cụ thể để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao từ các nước nhập khẩu. Đặc biệt, quy định mới từ EU yêu cầu nguồn gốc cà phê không gây mất rừng và suy thái rừng. Hiện, ngành hàng cà phê Việt Nam đang sản xuất ở quy mô rất nhỏ. Do vậy, chi phí để chứng nhận những vùng trồng quy mô nông hộ nhỏ lẻ là rất lớn.
Bên cạnh đó, hệ thống bản đồ rừng của Việt Nam cũng chưa được thống nhất giữa các tỉnh. Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh để hoàn thiện bản đồ hiện trạng rừng. Từ đó, có thể nhìn thấy rõ những diện tích cà phê đang trong vùng an toàn, có thể xuất khẩu sang EU và cả những vùng đang có nguy cơ xâm phạm vào đất rừng. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua Bộ đã xây dựng các kế hoạch để thích ứng với EUDR. Trong đó, việc phối hợp với các DN, địa phương đã được triển khai rốt ráo. Bộ đã ban hành 2 hướng dẫn tạm thời để các DN, địa phương triển khai, gồm: Hướng dẫn thích ứng với EUDR cho ngành hàng cà phê, cao su và Hướng dẫn thích ứng với EUDR cho ngành hàng gỗ. Đó là tiền đề để các địa phương, DN tạm thời yên tâm triển khai những nội dung thích ứng với EUDR đối với ngành hàng cà phê.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã triển khai thí điểm hệ thống dữ liệu vùng trồng tại 4 huyện gồm: Krông Năng, Cư M’gar, Ea H’leo (Đắk Lắk) và Di Linh (Lâm Đồng). Đến tháng 12/2024, 100% diện tích cà phê tại các địa phương này đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng và rừng.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: “Để đạt mục tiêu 20 tỷ USD, ngành cà phê Việt Nam phải phát triển theo hướng thông minh, tuần hoàn và bền vững. Đây không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là trách nhiệm đối với môi trường và xã hội”.
Để nâng tầm chất lượng, thương hiệu và giá trị của cà phê Việt Nam, nâng cao đời sống người nông dân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê tiếp tục phối hợp rà soát quy hoạch, xây dựng vùng trồng cà phê chất lượng cao, phát thải thấp; ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất chế biến.
Cùng với đó, xây dựng chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, giúp ổn định giá cả và tăng thu nhập cho người trồng cà phê. Nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt cà phê phải được hưởng lợi xứng đáng từ sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam.
(Theo Kinhtenongthon.vn)