vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Philippines cào bằng thuế nhập khẩu gạo, Việt Nam có mất ưu thế?

Philippines cào bằng thuế nhập khẩu gạo, Việt Nam có mất ưu thế?

Việt Nam vốn là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines, trước thông tin quốc gia này tiếp tục giảm thuế từ 50% xuống còn 35% cho các nước ngoài Đông Nam Á, câu hỏi đặt ra là liệu xuất khẩu gạo của Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Việt Nam sẽ cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Philippines

Theo Reuters, chính phủ Philippines mới đây thông báo, để kiềm chế lạm phát, quốc gia này đã quyết định kéo dài việc giảm thuế suất nhập khẩu gạo ở mức 35% đối với các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á đến hết năm 2022.  

Động thái mới nhất của Philippines đã đưa thuế quan đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài Đông Nam Á tương quan với mức thuế hiện hành được áp dụng cho hàng nhập khẩu từ các nước láng giềng trong khu vực.

Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia đang cung cấp gạo cho Philippines, điển hình như Việt Nam sẽ phải cạnh tranh thêm với các nhà xuất khẩu đến từ các nước bên ngoài khối ASEAN.

Theo đó, đối thủ “nặng ký” với Việt Nam nằm bên ngoài Đông Nam Á có thể kể đến là Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới và có giá gạo thấp hơn Việt Nam.

Mặc dù Philippines rất ít khi nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nhưng nước này gần đây đã bắt đầu có ý tưởng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu từ các nguồn rẻ hơn với gạo Ấn Độ là một lựa chọn thay thế. 

Như vậy, động thái trên liệu sẽ tác động ra sao đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Philippines, vốn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam?

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho biết Philippines giảm thuế cho Ấn Độ hay các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á chắc chắn sẽ có tác động với xuất khẩu gạo Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực.

Phân tích cụ thể, ông Thành cho biết Philippines đang có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn, đây cũng là thị trường chính của Việt Nam, trung bình Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,3 – 2,5 triệu tấn/năm, chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu gạo, do đó, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định này.

Bên cạnh mục đích giảm lạm phát, việc Philippines giảm thuế cho các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á cũng nhằm hạ giá gạo của các nhà nhập khẩu chính, đó là Việt Nam và Thái Lan, giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn cung giá ổn định hơn.

Cũng theo ông Thành, xét về phân khúc sản phẩm, Philippines thường nhập khẩu từ Ấn Độ các loại gạo lợi cơm, phẩm cấp thấp nên Việt Nam không ảnh hưởng nhiều nếu quốc gia này gia tăng lượng nhập.

Tuy nhiên, với sản phẩm chất lượng cao, gạo dẻo hạt dài, đang chiếm khoảng 80% trong tỷ trọng xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines thì nếu Ấn Độ có được những bộ giống tương tự, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn.

“Những người bán cùng phân khúc thị trường sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá thành cạnh tranh luôn thấp”, ông Thành nói.

Cập nhật số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy giá gạo của Ấn Độ đứng thứ ba trong Top các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, thấp hơn từ 55 – 85 USD/tấn so với gạo Việt Nam

Cụ thể, gạo 5% tấm Việt Nam ngày 13/6 ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giá chào bán 403 USD/tấn, gạo 100% tấm giá bán 378 USD/tấn. So với Ấn Độ, các loại gạo của Việt Nam đều có giá cao hơn khi quốc gia này xuất khẩu gạo 5% ở mức 338 USD/tấn, gạo 25% tấm và gạo 100% tấm cùng có giá 323 USD/tấn.

Quyết định mới của Philippines được đưa ra vào thời điểm Thái Lan và Việt Nam đang có kế hoạch tăng giá, như vậy, khả năng lợi thế giá rẻ của Ấn Độ sẽ tăng lên. Điều này cho thấy gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bị giảm phần nào ưu thế tại thị trường Philippines ít nhất đến cuối năm nay hoặc cho đến khi chính sách giảm thuế này được thay đổi. 

Nhu cầu tiêu thụ gạo của Philippines vẫn rất cao

Mặc dù có sự lo ngại tác động từ lệnh gia hạn giảm thuế của Philippines nhưng theo các doanh nghiệp hiện nay thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tương đối ổn định, lượng khách hàng và đơn hàng tháng 5, tháng 6 tăng cao. 

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây với gần 710.400 tấn, trị giá 347,1 triệu USD, tăng mạnh 27,8% về lượng và 25,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,5% về lượng và tăng 2,5% về trị giá.

Philippines cào bằng thuế nhập khẩu gạo, Việt Nam có mất ưu thế? 156 gao 20220615142001608

 (Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Xuất khẩu gạo tăng mạnh trong tháng 5 chủ yếu là do nhu cầu từ Philippines, thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của nước ta tăng tới 45,8% về lượng và gần 51% về trị giá so với tháng trước, đạt hơn 345.900 tấn, trị giá 167,6 triệu USD.

Như vậy, sau 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang Philippines đã lên đến 1,3 triệu tấn, trị giá gần 590 triệu USD, tăng 34,8% về lượng và 17,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ tăng mạnh trong những tháng qua, cơ hội xuất khẩu gạo vào Philippines vẫn khả quan trong hai quý tới bởi nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang ở mức cao.

Dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI) cho thấy nhập khẩu gạo của nước này từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay đã tăng 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,2 triệu tấn. Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu cho Philippines với hơn 1 triệu tấn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho biết Philippines, quốc gia được dự báo sẽ là khách hàng mua gạo lớn thứ hai thế giới trong năm nay sau Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ nhập khẩu 2,9 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, cao hơn so với dự báo trước đó là 2,5 triệu tấn để bù đắp sự thiếu hụt trong nước. 

 Lý do điều chỉnh tăng là bởi tốc độ nhập khẩu tiếp tục mạnh mẽ từ Việt Nam, USDA cho hay.

(Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)