Với việc nhập khẩu nhiều loại thực vật và sản phẩm thực vật từ các quốc gia ngoài EU với đặc điểm đa dạng về điều kiện địa lý tự nhiên, vì vậy EU yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các điều kiện kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, có ý nghĩa quan trọng đối với truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị có nguy cơ rủi ro cao về sức khỏe thực vật.
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Hàng năm EU nhập khẩu khoảng trên 300 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó nông sản chính là 190 tỷ USD, thủy sản 50 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 59 tỷ USD (Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC, 2021).
EU dự báo năm 2024 kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản của khu vực thị trường này khoảng 323,4 tỷ USD tăng 6,44% so với năm 2023.
Riêng với Việt Nam, kim ngạch nhập nông lâm thủy sản từ Việt Nam sang EU hiện đạt khoảng 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, xếp thứ 11 trong trong danh sách các nước xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU. EU là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN.
Đặc biệt, với thuế suất ưu đãi của Hiệp định EVFTA mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho nông sản Việt Nam. Từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 đến nay, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có nguồn gốc thực vật của Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cà phê, chè… đều có sự tăng trưởng khả quan và được đón nhận tại thị trường EU.
Mặc dù vậy, do EU ngày càng gia tăng sự chặt chẽ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói chung và nông sản chủ lực có nguồn gốc thực vật nói riêng nên việc kịp thời cập nhật, nắm bắt những quy định mới của EU liên quan tới các mặt hàng này rất cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU.
Tiếp cận mở và mang tính hậu kiểm
Tại Báo cáo “Các quy định về kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm đối với nông sản và thực phẩm nhập khẩu của Liên minh châu Âu”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin, hệ thống pháp luật của EU về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật hoàn thiện, đầy đủ và minh bạch, thường xuyên được sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo và bảo vệ sức khỏe con người, động, thực vật và môi trường.
Về quản lý an toàn thực phẩm chung, EU tiếp cận theo hướng tích hợp đối với an toàn thực phẩm bao gồm tất cả các lĩnh vực của chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Với nông sản, thực phẩm hàng hóa của các nước thứ ba bên ngoài EU tiếp cận thị trường, EU áp dụng các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật khác nhau.
Trong đó, với nhóm sản phẩm có nguồn gốc thực vật, EU áp dụng cách tiếp cận mở và mang tính hậu kiểm, khác với các biện pháp của các đối tác nhập khẩu nông sản thực phẩm lớn khác.
Luật Bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật EU – cơ sở pháp lý mới nhất trong lĩnh vực này của EU được quy định tại Quy định (EU) 2016/2031 của Nghị viện Châu Âu ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu được áp dụng từ 14 tháng 9 năm 2019.
Quy định (EU) 2016/2031 thay thế cho luật bảo vệ thực vật của EU tại Chỉ thị của Hội đồng 2000/29/EC được áp dụng từ năm 1977, sửa đổi Quy định (EU) số 228/2013, (EU) số 652/2014 và (EU) số 1143/ 2014 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu và bãi bỏ 7 quy định gồm các Chỉ thị của Hội đồng 69/464/EEC, 74/647/EEC, 93/85/EEC, 98/57/EC, 2000/29/EC, 2006/91/EC và 2007 /33/EC.
Thương mại an toàn và giảm tác động của biến đổi khí hậu
Luật Bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật EU mới tạo ra thay đổi lớn trong cách tiếp cận chủ động hơn nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập hoặc lây lan của dịch bệnh và sinh vật gây hại cho cây trồng hoặc các sản phẩm thực vật trên phạm vi toàn EU.
Với đặc thù nhập khẩu nhiều loại thực vật và sản phẩm thực vật từ các quốc gia ngoài EU với đặc điểm đa dạng về điều kiện địa lý tự nhiên, vì vậy EU yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các điều kiện kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, có ý nghĩa quan trọng đối với truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị có nguy cơ rủi ro cao về sức khỏe thực vật.
Sau khi thông qua Luật mới, EU đã ban hành nhiều văn bản, quy định triển khai áp dụng Luật này, Quy định thực thi (EU) 2019/2072 quy định danh mục các đối tượng yêu cầu bắt buộc kiểm dịch đối với các loài sâu, bệnh gây hại đối với thực vật sản phẩm thực vật và các đối tượng khác khi nhập khẩu và lưu thông được nhập khẩu từ các nước ngoài EU.
Quy định mới của EU về sức khỏe thực vật nhằm mục đích bảo vệ nông và lâm nghiệp Châu Âu, ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của các sinh vật gây hại. Các biện pháp này là bắt buộc không thể thiếu để bảo vệ sức khỏe, nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của trồng trọt và môi trường của EU, cũng như duy trì chính sách thương mại mở của Liên minh Châu Âu. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng và biến đổi khí hậu (gây ra các tác động đáng kể đến sự phân bố của các loài), EU phải đối mặt với những mối nguy mới từ các sinh vật gây hại mà khung pháp lý trước đây chưa bao trùm hết.
Các quy tắc của Luật mới được đưa ra nhằm giám sát, xử lý triệt để và kiểm soát nhập khẩu, dựa trên điều kiện tiên quyết phòng tránh tác hại trong tương lai đối với nền nông nghiệp hoặc môi trường của EU, do đó cần phải có sự đầu tư nguồn lực ngay ở giai đoạn sớm (phòng ngừa). Mục đích tổng thể là có các biện pháp hiệu quả hơn để bảo vệ lãnh thổ Liên minh Châu Âu, đảm bảo thương mại an toàn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cây trồng và rừng của EU.
Các quy định kiểm dịch thực vật EU dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Công ước bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC) – một hiệp ước liên chính phủ nhằm bảo vệ tài nguyên thực vật của thế giới tránh khỏi sự lây lan và xâm nhập của sâu bệnh và Hiệp định về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật (SPS) của của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). IPPC đưa ra các Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật (International Standards for Phytosanitary Measures ISPMs).
Theo khuôn khổ pháp lý mới, Ủy ban Thường trực về Thực vật, Động vật, Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi là đầu mối chịu trách nhiệm về Sức khỏe Thực vật, tiến hành đánh giá liên tục tình hình sức khỏe thực vật và định kỳ EU sẽ đưa ra các biện pháp mới để kiểm soát sự xâm nhập và lây lan của các sinh vật gây hại.
“EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi chỉ có vài chục ký ớt xuất sang cũng bị kiểm tra và cảnh báo vi phạm. Với nhóm hàng bị cảnh báo ở mức độ cao, nếu không có giải pháp kịp thời chấn chỉnh, cải thiện có thể sẽ bị EU không cho nhập vào”
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Hội nghị tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP, 02/8/2024).
Yêu cầu chung đối với thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu
Theo quy định của EU, các yêu cầu đối với nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật vào EU phải tuân thủ các biện pháp kiểm dịch thực vật đòi hỏi hàng hóa tuân thủ một số điều kiện chung và các biện pháp có thể cập nhật hoặc sửa đổi bổ sung sau này.
Theo đó, hàng hóa có nguồn gốc thực vật phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp; Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và tài liệu để đảm bảo lô hàng đáp ứng yêu cầu của EU; Nhận dạng để đảm bảo rằng lô hàng đúng quy cách tương ứng với giấy chứng nhận; Kiểm tra để đảm bảo lô hàng không có sinh vật gây hại theo quy định và khi kiểm tra thực tế được quy định trong Quy định (EU) 2019/2072. Cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia của nước xuất khẩu cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Doanh nghiệp, nhà xuất khẩu tham khảo cụ thể quy định tại: https://ec.europa.eu/food/plant/plant_health_biosecurity/non_eu_trade_en.
Hàng hóa có nguồn gốc thực vật phải được kiểm tra hải quan tại Cơ quan Kiểm tra Biên giới tại cảng/đầu mối nhập cảnh vào EU; Hàng hóa có nguồn gốc thực vật phải được thông báo cho cơ quan hải quan trước khi đến điểm nhập cảnh; Các quốc gia thành viên hoặc chính EU có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu các loại cây trồng hoặc sản phẩm thực vật từ các nước thứ ba gây rủi ro cho lãnh thổ EU.
Danh mục các loại dịch bệnh yêu cầu phải kiểm dịch:
https://ec.europa.eu/food/plant/plant_health_biosecurity/legislation/new_eu_rules_en
(Theo Tapchicongthuong.vn)