Ngày 9/8, tại Bình Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và các hiệp hội ngành gỗ tổ chức Hội nghị Giao ban ngành Chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý III/2024.
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, một số sản phẩm xuất khẩu chính của ngành gỗ đều có mức tăng trưởng cao như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023. Các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2 %; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%.
Nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, trong đó, kim ngạch xuất khẩu với thị trường Mỹ đạt 5,019 tỷ USD (tăng 24%); Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD (tăng 37,92%); EU đạt 555 triệu USD (tăng 22,44%). Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,99 tỷ USD (tăng 22,3%), doanh nghiệp trong nước đạt 5,371 tỷ USD (tăng 19,2%). Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,504 tỷ USD, tăng 22,3 % so với năm 2023. Giá trị xuất siêu toàn ngành ước đạt 7,857 tỷ USD.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 3.324 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 7,36 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp FDI đạt 3,48 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Về số lượng doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ có 669 doanh nghiệp, chiếm 20,1% tổng số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy cần có sự kết nối mạnh mẽ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam để ngành gỗ phát triển bền vững.
Để hỗ trợ cho ngành Chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, cơ quan hải quan, kiểm lâm và các cơ quan liên quan hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh gỗ Việt sang các thị trường xuất khẩu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khẳng định, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành địa phương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp để tham mưu, sửa đổi các quy định đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ.
Sản lượng gỗ rừng trồng trong nước hiện đã đảm bảo được khoảng 75% cho nhu cầu sản xuất trong nước và sản lượng gỗ nhập khẩu đang giảm dần trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc trồng rừng gỗ lớn, đủ chất lượng để phục vụ cho ngành sản xuất nội thất trong nước vẫn còn thiếu, trong đó, thiếu cả về số lượng cũng như sự liên kết giữa vùng trồng, vùng nguyên liệu đến các cơ sở sản xuất, đến những giải pháp để đảm bảo sinh kế cho người dân thực hiện trồng rừng gỗ lớn (vốn có thời gian chăm sóc từ 10 năm trở lên tính từ lúc trồng đến thười điểm khai thác)
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp để phát triển thương hiệu gỗ Việt.
(Theo Thanhtra.com.vn)