Nông dân biết trồng gì cho hiệu quả
Là cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng hằng năm Việt Nam cũng nhập khẩu không ít gạo từ các nước. Trong 9 tháng năm nay, Việt Nam chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo, tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay.
Việt Nam thường nhập khẩu dòng gạo chất lượng thấp để đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm bánh, bún, bột… Do phân khúc gạo này trong nước còn ít người trồng, đa số nông dân đã chuyển sang trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao để xuất khẩu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Nhựt – Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật, TP. Cần Thơ – cho biết, việc xuất khẩu gạo chất lượng cao và nhập gạo chất lượng thấp là xu thế bình thường của kinh tế thị trường. Điều này do tính hiệu quả kinh tế quyết định, như việc “nước chảy về chỗ trũng”.
Theo ông Nhựt, dòng gạo cấp thấp như giống IR50404 được trồng phổ biến cách đây 10-15 năm, khi đó chiếm tới 70-80% diện tích trong tổng cơ cấu giống lúa của Việt Nam. Với đặc tính hạt gạo khô, xốp, nở… giống IR50404 thích hợp để làm các sản phẩm sau gạo như bánh, bún, bột… Do giá trị không cao, nông dân dần thay thế bằng các giống lúa thơm, dẻo, chất lượng cao, có giá trị cao hơn, vì vậy dòng gạo cấp thấp thiếu hụt và phải nhập.
“Cái gì rẻ thì mình mua, cái gì mình làm được giá cao thì mình làm, lấy tiền đó mua cái rẻ về chế biến, đó là chuyện bình thường, do tính hiệu quả của hạt gạo chứ không có gì to tát, lo ngại. Trồng lúa thơm bán 600 USD/tấn, loại như IR50404 chỉ 500 USD/tấn, vậy chọn cái nào? Vấn đề nằm ở đó. Nếu trồng mà bán giá thấp thì ai trồng làm gì, người nông dân họ biết trồng loại gì có hiệu quả”, ông Nhựt nói.
Các doanh nghiệp thông tin, dòng gạo cấp thấp được sản xuất phổ biến tại Ấn Độ với năng suất tốt, nhưng giá thấp, tương tự như lúa IR50404 của Việt Nam được trồng nhiều trước đây. Tuy nhiên, loại gạo này rất khó bán, giá thấp nên các bộ ngành khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng lúa chất lượng cao. Khi người dân chuyển dần sang phân khúc chất lượng cao thì gạo cấp thấp lại thiếu, nếu có trồng cũng giá rẻ nên nông dân bỏ dần.
Gạo cấp thấp chỉ còn 10%
Trong cơ cấu giống lúa ở Việt Nam, nhóm giống phẩm cấp thấp hiện nay chiếm tỷ lệ nhỏ. Theo Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ Đông Xuân 2024-2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến xuống giống gần 1,5 triệu ha. Trong đó, nhóm chủ lực khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt chiếm tỷ lệ 60% diện tích, như: OM18, OM5451, OM4900, OM6976, Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM7347, Nàng Hoa 9…
Nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản đang có tỷ lệ gia tăng trong cơ cấu giống chung, chiếm 30%, như: ST24, ST25, RVT, Nàng Hoa 9, nếp IR4625, nếp An Giang… (trong đó nếp 10%).
Nhóm giống lúa phẩm cấp thấp chỉ 10% diện tích, được trồng ở các vùng sản xuất đặc thù (phèn, ngập), dùng cho chế biến, có thị trường hẹp, như: OM380, Cửu Long 555, OM2517, ML202…
Các doanh nghiệp lúa gạo đánh giá, chiến lược trên phù hợp với tình hình hiện nay, khi Ấn Độ đã trở lại “sân chơi” xuất khẩu gạo. Do đó, Việt Nam cần hạn chế xuống mức thấp nhất phân khúc lúa gạo cấp thấp, tập trung cho sản phẩm gạo thơm, chất lượng cao, có giá trị, thay vì cạnh tranh gạo giá rẻ với Ấn Độ.
Các giống lúa như Đài Thơm 8, OM18, OM5451… được doanh nghiệp khuyến cáo nông dân nên tập trung. Bởi đây là phân khúc lớn, được nhiều thị trường lớn ưa chuộng như Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Trung Đông… Những giống lúa này cũng là lợi thế vùng trồng của Việt Nam, có giá hợp lý, được thị trường chấp nhận tốt. Việc bố trí cơ cấu như trên sẽ giúp ngành lúa gạo Việt Nam đỡ áp lực, tránh đối đầu với đối thủ “nặng ký” Ấn Độ.
Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023) đặt mục tiêu: Tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu; giảm khối lượng gạo xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn, với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD.
Về cơ cấu chủng loại, chiến lược trên xác định giai đoạn 2023 – 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản 40%; gạo nếp 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.
Giai đoạn 2026 – 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản 45%; gạo nếp 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%. Cùng đó, tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả gạo xuất khẩu qua kênh trung gian (trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán).
Theo chiến lược này, phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice) vào năm 2030.
(Theo Tienphong.vn)