Năm 2023, xuất khẩu hạt điều thu về 3,64 tỷ USD, nhưng ngành này cũng chi tới 3,19 tỷ USD để nhập nguyên liệu điều tươi.
Theo báo cáo vừa được Bộ Công Thương cập nhật dẫn thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,77 triệu tấn hạt điều, kim ngạch nhập khẩu khoảng 3,19 tỷ USD. So với năm 2022, nhập khẩu hạt điều tăng 46,2% về lượng và tăng 19,6% về trị giá.
Năm 2023, hạt điều tươi chưa bóc vỏ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu hạt điều của Việt Nam. Hạt điều tươi chưa bóc vỏ chiếm 96% tổng lượng nhập khẩu, còn lại là hạt điều tươi đã bóc vỏ chiếm 4%.
5 thị trường cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam gồm: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Trong đó, hạt điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà và Campuchia chiếm 54,7% tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành điều trong năm 2023.
Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2023 đạt 644 nghìn tấn, trị giá 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với năm 2022. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu hạt điều tươi gần bằng xuất khẩu.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan tính đến ngày 15/4 cũng cho thấy, Việt Nam xuất khẩu 183,3 nghìn tấn hạt điều, thu về 984,6 triệu USD. Song Việt Nam lại phải chi ra 1,04 tỷ USD để nhập khẩu gần 834 nghìn tấn hạt điều thô.
Thực tế, vài năm trở lại đây, ngành điều nước ta phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ Campuchia. Nguyên liệu nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích trồng điều của cả nước năm 2007 là 440.000ha, đến năm 2023 còn 314.000ha, giảm 8.300ha so với năm 2022. Sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt hơn 345.000 tấn hạt điều.
Việc diện tích bị thu hẹp dần dẫn đến tình trạng ngành điều phải nhập khẩu nhiều hơn và nhập siêu xảy ra. Năm 2021, ngành điều lần đầu tiên ghi nhận nhập siêu kỷ lục sau hơn 3 thập kỷ duy trì xuất siêu.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam chỉ ra nghịch lý, Việt Nam là trung tâm chế biến điều nhân nhưng lại không có vùng nguyên liệu đủ lớn phục vụ cho sản xuất. Vùng trồng điều trong nước ngày càng thu hẹp, với sản lượng khá khiêm tốn. Do đó, doanh nghiệp phải mua điều thô từ các quốc gia khác.
Trong điều kiện khó gia tăng diện tích, lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam đề nghị giải pháp hợp tác, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào, bao gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt cho nước bạn. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ nhập nguồn điều thô này về Việt Nam để chế biến.
(Theo Vnbusiness.vn)