Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào Philippines. Theo thông tin của một số doanh nghiệp, thị trường này hiện khá ưa chuộng các loại gạo thơm ĐT8 và gạo trắng hạt dài 5451 của Việt Nam.
5 tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn
Thương vụ Việt Nam tại Philippines dẫn số liệu mới nhất từ Cục Thực vật (Bureau of Plant Industry), Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 23/5/2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng 20,3% so với 5 tháng đầu năm 2023, đạt mức 1,97 triệu tấn, cao hơn khá nhiều so với mức nhập khẩu 1,64 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2023.
Tính từ đầu năm cho đến này, Cục Thực vật đã cấp 4.066 giấy phép thông quan nhập khẩu gạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Kể từ ngày 01/01/2024 đến 23/5/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ hai là Thái Lan xuất khẩu sang Philippines đạt 300.227,24 tấn, tiếp theo là Parkistan đạt 144.834,50 tấn, Myanmar đạt 65.080 tấn. Phần còn lại nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Italia và Tây Ban Nha.
Năm 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt 3,6 triệu tấn, giảm 5,9% so với mức kỷ lục năm 2022 đạt 3,82 triệu tấn. Năm 2024, dự tính tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn.
Theo thông tin của một số doanh nghiệp, thị trường Philippines khá ưa chuộng các loại gạo thơm ĐT8 và gạo trắng hạt dài 5451 của Việt Nam do mềm cơm. Hiện nay gạo của Việt Nam thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía Nam do gạo của Việt Nam ngon cơm và giá cả phù hợp.
Philippines dự thảo sửa đổi Luật về tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo
Thương vụ Việt Nam tại Philippines thông tin, trong những tháng vừa qua, Chính phủ Philippines đã đề nghị lưỡng viện nước này nghiên cứu sửa đổi Luật số 11203 về tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo nhằm khôi phục cho Cơ quan lương thực quốc gia (National Food Authority – NFA) quyền can thiệp trực tiếp để điều tiết và bình ổn thị trường.
Dự luật sửa đổi chưa được chính thức thông qua, tuy nhiên qua tìm hiểu và nắm bắt thông tin ban đầu, Thương vụ Việt Nam tại Philippines đưa ra một số nhận định về dự báo tác động tới thị trường gạo và thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines.
Thứ nhất, thông tin cho thấy chỉ có sự sửa đổi nội dung liên quan tới thẩm quyền của NFA trong Luật số 11203, theo hướng quy định khôi phục thẩm quyền cho NFA trực tiếp tham gia điều tiết, bình ổn thị trường gạo. NFA được cho phép trực tiếp hoặc thông qua các chương trình hỗ trợ người nông dân để mua lúa từ nông dân trong nước để chế biến và/hoặc nhập khẩu gạo nhằm cung ứng điều tiết, bình ổn thị trường.
Chính phủ Philippines hy vọng bằng cách quy định cho phép NFA mua lúa trực tiếp từ người nông dân sẽ giúp loại bớt được các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng gạo, vì vậy, sẽ giúp giảm giá thành, cộng với nguồn hỗ trợ của Chính phủ sẽ đảm bảo giá bán gạo ra thị trường được duy trì ở mức thấp và ổn định. Gạo của NFA trong trường hợp này sẽ được cung ứng thông qua hệ thống cửa hàng Kadiwa. Đây là hệ thống cửa hàng được xây dựng thông qua Chương trình Kadiwa ni Ani at Kita, một chương trình do Chính phủ khởi xướng với sự tham gia của khối tư nhân, người nông dân, các hợp tác xã, hiệp hội…, nhằm hỗ trợ người nông dân cung ứng, tiêu thụ các mặt hàng nông sản như gạo, hoa quả, và thực phẩm tại những khu vực có nhu cầu tiêu thụ lớn. Ngoài ra, NFA còn được nhập khẩu gạo khi cần thiết.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho rằng, sửa đổi theo hướng khôi phục thẩm quyền cho NFA trực tiếp tham gia điều tiết, bình ổn thị trường gạo, về lý thuyết có thể sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực theo hướng giảm giá bán gạo trên thị trường Philippines trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trên thực tế sẽ rất khó để NFA thực hiện nhiệm vụ và đạt được kết quả như kỳ vọng, bởi những lý do.
Một là, kể từ sau khi Luật số 11203 được thực thi, thị trường gạo tại Philippines đã được xác lập và hoạt động theo cơ chế thị trường, đã đi vào ổn định. Chính phủ Philippines không thể vô cớ bãi bỏ Luật số 11203 quy định cho phép tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo. Vì vậy, sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân trên thị trường này không thể bị hạn chế trong thời gian ngắn.
Hai là, với việc cho phép NFA bình ổn thị trường gạo, thông qua trực tiếp mua bán gạo, với cơ chế mua cao bán thấp sẽ tạo áp lực ngân sách cho Chính phủ. Thực tế hoạt động của NFA, trước khi Luật số 11203 được thực thi, đã thâm hụt ngân sách rất lớn, số tiền mà sau đó Chính phủ phải bù đắp.
Ba là, Chính phủ Philippines có thể đã tham vọng khi đặt trọng trách với nhiều kỳ vọng lên NFA, trong khi năng lực của NFA có hạn. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, NFA phải xây dựng được một hệ thống nhân sự và cơ sở vật chất cho sự tham gia vào chuỗi cung ứng gạo ở khắp các địa phương trên cả nước như hệ thống các cơ sở xay sát, chế biến, hệ thống kho chứa, hệ thống các cửa hàng Kadiwa. NFA không thể thiết lập và xây dựng được các hệ thống này trong một thời gian ngắn. Thực tế hoạt động của NFA trước khi Luật số 11203 được ban hành cho thấy hàng năm NFA chỉ có thể mua trực tiếp lúa từ người nông dân một lượng nhỏ trong tổng sản lượng lúa của cả nước. Vì vậy, cho dù NFA được khôi phục thẩm quyền nhưng năng lực thu mua lúa cũng khó đạt được như kỳ vọng.
Bốn là, với việc hình thành thị trường và chuỗi cung ứng gạo tự do từ sau khi Luật số 11203 được ban hành, có sự tham gia của các khâu trung gian, thì chỉ bằng việc khôi phục thẩm quyền cho NFA khó có thể giúp loại bỏ những khâu trung gian.
Năm là, việc tham gia bình ổn thị trường của NFA trước mắt chỉ giới hạn khi thị trường có biến động tăng giá hoặc trường hợp khẩn cấp theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, vì vậy, khó có thể có tác động ngay tức khắc tới thị trường gạo nói chung.
Sáu là, việc bình ổn của NFA chủ yếu nhắm tới thị trường các mặt hàng gạo chất lượng trung bình và thấp, phục vụ cho đại đa số người dân nghèo hoặc có thu nhập thấp, vì vậy, không ảnh hưởng nhiều tới thị trường gạo cao cấp.
Thứ hai, thông tin cho thấy các nội dung khác liên quan tới quyền tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo trong Luật số 11203 không thay đổi. Điều đó có nghĩa các thương nhân không bị hạn chế, mọi chủ thể vẫn có quyền tự do xuất nhập khẩu và thực hiện hoạt động thương mại gạo. Vì vậy, hoạt động xuất nhập khẩu gạo giữa Việt Nam và Philippines trong thời gian tới về cơ bản vẫn ổn định, sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng cho tới khi Chính phủ Philippines kiện toàn bộ máy, xây dựng mạng lưới cũng như cơ chế hoạt động của NFA để có thể can thiệp trực tiếp và hiệu quả vào thị trường gạo.
“Từ những đánh giá và nhận định nêu trên cho thấy, trong trường hợp Luật số 11203 được sửa đổi khôi phục cho NFA thẩm quyền điều tiết, bình ổn thị trường gạo thì kết quả cũng khó có thể đạt được ngay tức khắc. Đồng thời, cũng sẽ không thể ngay tức khắc ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam với Philippines“, Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định.
(Theo Tapchicongthuong.vn)