vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Xuất khẩu cà phê Robusta tăng thêm 200 USD/tấn, tiến sát mốc 5.000 USD

Xuất khẩu cà phê Robusta tăng thêm 200 USD/tấn, tiến sát mốc 5.000 USD

Xuất khẩu cà phê Robusta đang tiếp tục được lợi khi tăng vọt hơn 200 USD/tấn, sắp lập kỷ lục khi tiến dần đến mốc giá 5.000 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,05 triệu tấn cà phê với kim ngạch 4,03 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng nhưng lại tăng 36,1% về giá trị.

Giá xuất khẩu cà phê đạt 3.805 USD/tấn, tăng vọt 54,5% so với cùng kỳ.

Các chuyên gia cho hay, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng kỷ lục trong thời gian qua là vì nguồn cung trên thế giới khan hiếm. Hiện, các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Israel, Trung Quốc… đang tăng cường mua loại nông sản này khiến giá nhập khẩu vào các thị trường này tăng lên khoảng 30% so với năm 2023. Điển hình là đầu tháng 7-2024, Hungary đã mua cà phê của Việt Nam với mức giá trung bình hơn 6.800 USD/tấn, hay Israel mua với mức 6.100 USD/tấn.

Đáng chú ý, giá cà phê Robusta đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể thời gian qua. Nếu như trước đây, giá cà phê Robusta chỉ giao động trong khoảng hơn 4.000 USD/tấn thì khép lại phiên giao dịch ngày 4/9, theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam, giá cà phê Robusta tăng vọt 4,3% (200 USD/tấn), tiến sát mốc quan trọng 5.000 USD/tấn, trong khi giá cà phê Arabica nhích nhẹ 0,4% so với tham chiếu. Tình hình thời tiết tại Brazil tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường khi các vùng trồng cà phê chính của nước này đang phải đối mặt với thời tiết khô hạn nặng nề nhất kể từ năm 1981.

Xuất khẩu cà phê Robusta tăng thêm 200 USD/tấn, tiến sát mốc 5.000 USD 2330720231221084831

Khu vực Đông Nam Brazil – vùng sản xuất cà phê lớn nhất cả nước đang trải qua đợt khô hạn kỷ lục kéo dài hơn ba tháng. Điều này làm giảm hiệu suất của quá trình ra hoa và đậu quả non của cây cà phê thu hoạch năm 2025. Một số nhà vườn cho biết nhiều diện tích trồng cà phê đã không chịu nổi tình trạng thiếu mưa trong nhiều tháng và có thể bị mất trắng. Hoạt động sản xuất ổn định chỉ có thể quay lại vào năm 2025.

Hơn thế, dự báo thời tiết cho thấy tình trạng thiếu mưa tại các vườn cà phê tại Đông Nam còn có thể kéo dài sang tháng 9. Điều này càng dấy lên lo ngại tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ 2025-2026, đặc biệt khi đây còn là năm mất mùa trong chu kỳ 2 năm được mùa 1 lần tại Brazil.

Hiện tại, chưa có thống kê cụ thể nào về những tổn thất do khô hạn gây ra tại các vườn cà phê nhưng giới phân tích dự kiến sản lượng có thể giảm 20%.

Giá cà phê Robusta tăng tốt hơn trong phiên hôm qua do lo ngại về triển vọng nguồn cung không chỉ xảy ra tại Brazil mà còn tại Việt Nam, quốc gia sản xuất dòng cà phê này lớn nhất thế giới. Tình trạng khô nóng đỉnh điểm cũng diễn ra tại vựa cà phê Tây Nguyên của nước này trong hơn 2 tháng đầu năm, sản lượng dự kiến giảm 15-20% so với vụ trước. Hơn thế, hiện tại nguồn cung trong nước đã cạn kiệt càng khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, tạo đà hỗ trợ giá tăng.

(Theo Congthuong.vn)