Từ đầu năm 2024 đến nay, tại một số thị trường ASEAN, xuất khẩu cà phê tăng trưởng bứt phá, nhất là một số nước như Campuchia, Singapore, Thái Lan, Indonesia…
Theo nhận định của các bộ ngành chức năng, thời gian qua, xuất khẩu cà phê của nước ta ghi nhận sự tăng trưởng khá cao tại thị trường ASEAN. Cà phê cũng là một trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN, bên cạnh gạo, thủy sản, rau quả…
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN đạt 508,8 triệu USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước đó, khối lượng đạt 148,5 nghìn tấn. Đặc biệt, giá xuất khẩu cà phê sang các thị trường nội khối này năm 2023 cũng đạt mức cao, trong đó loại cà phê chưa rang, chưa khử cafein đạt đến 2.733 USD/tấn trong tháng cuối năm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại một số thị trường ASEAN, xuất khẩu cà phê tăng trưởng bứt phá. Điển hình như Campuchia, xuất khẩu cà phê sang đây trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng tới 79% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Singapore, hiện Việt Nam là đối tác xuất khẩu cà phê thứ 9. Trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang thị trường này tăng trưởng tới 3 con số. Cụ thể, kim ngạch đạt 1,465 nghìn SGD, tăng 175,38% so cùng kỳ năm trước…Trong cơ cấu các mặt hàng cà phê xuất khẩu sang Singapore, nhóm cà phê đã rang và xay có kim ngạch cao nhất, tiếp theo là nhóm cà phê Robusta chưa rang…
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, Việt Nam xuất khẩu 95.000 tấn cà phê, đem về 400 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt 833.000 tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng, nhưng tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 dự báo có thể đạt mốc 4,6 – 5 tỷ USD. Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
Liên quan đến ngành cà phê, ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, tiềm năng từ hạt cà phê Việt Nam hiện rất lớn, các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng cà phê ở các nước đều đã có mặt tại Việt Nam. Vai trò của cà phê Việt Nam là không thể thay thế nhưng cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững cũng như đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD trong năm 2024.
Các chuyên gia khẳng định, trong những năm qua, chất lượng cà phê Việt Nam đã được nâng cao, nhưng so với nhiều quốc gia trên thế giới, chất lượng xuất khẩu vẫn còn thấp hơn vì nhiều nguyên nhân. Do đó, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.
Ông Gruber Alexander Lukas – Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, đại diện thương hiệu Alambe’ Finest Vietnamese Coffee chia sẻ, Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn cà phê, giá rẻ. Do đó, cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn… để xuất khẩu cà phê có giá trị gia tăng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ NN&PTNT khuyến cáo, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, hữu cơ… mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.
(Theo Thuonghieuvaphapluat.vn)