vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Xuất khẩu gỗ khởi sắc nhưng chưa bền vững

Xuất khẩu gỗ khởi sắc nhưng chưa bền vững

Xuất khẩu gỗ đã có một số tín hiệu khởi sắc trong nửa đầu năm nay song tính bền vững vẫn còn để ngỏ. Lý do là các thị trường đầu ra của ngành đang có nhiều biến động; đồng thời việc thực thi các chính sách mới tại những thị trường chính sẽ tạo ra nhiều khó khăn mới cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Kim ngạch mở rộng ở hầu hết thị trường chính

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm nay đạt 7,36 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là số liệu từ báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hết 6 tháng đầu năm 2024” do nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cùng một số đơn vị khác thực hiện và vừa công bố.

Báo cáo cho biết, đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán, viên nén và ván bóc là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, đạt 5,48 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong đó, xuất khẩu đồ gỗ đạt 2,93 tỷ USD; ghế ngồi đạt 1,59 tỷ USD; dăm gỗ đạt 1,32 tỷ USD…

Tại hầu hết các thị trường chính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng. Cụ thể, xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt trên 3,98 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 54,1% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ngành vào tất cả thị trường. Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 1,07 tỷ USD, tăng 47,3%.

Xuất khẩu gỗ khởi sắc nhưng chưa bền vững xuat khau go sang my 16349855908972087705042 1635057426726981802287 50420

Các doanh nghiệp FDI vẫn thể hiện sự vượt trội so với các doanh nghiệp nội về kim ngạch xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 669 doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu, chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp tham gia khâu này và đạt kim ngạch 3,48 tỷ USD, tương đương 47,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành trong cùng giai đoạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của khối doanh nghiệp FDI là đồ gỗ, ghế ngồi và gỗ dán, với kim ngạch 3,02 tỷ USD, chiếm gần 87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này trong cùng giai đoạn. Số doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu các mặt hàng như viên nén, dăm gỗ rất ít. “Điều này cho thấy doanh nghiệp FDI chủ yếu tham gia khâu xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao”, nhóm nghiên cứu nhận xét.

Cũng giống như đầu ra của khối doanh nghiệp nội địa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của khối doanh nghiệp FDI; trong 6 tháng đầu năm 2024, có 67% doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp FDI xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, với kim ngạch đạt gần 78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả khối FDI. Tỷ trọng này cao hơn nhiều so với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chung của cả ngành (54,1%). Điều này có nghĩa, tỷ trọng xuất khẩu vào Hoa Kỳ của các doanh nghiệp nội địa thấp hơn nhiều so với tỷ trọng chung. Các thị trường đầu ra quan trọng khác của khối doanh nghiệp FDI bao gồm Nhật, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, tuy nhiên tầm quan trọng của các thị trường này so với thị trường Hoa Kỳ nhỏ hơn rất nhiều.

Thị trường đầu ra sẽ xấu đi?

Mặc dù ghi nhận xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã có những tín hiệu khởi sắc về thị trường và đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính trong 6 tháng đầu năm song nhóm nghiên cứu cho rằng còn quá sớm để khẳng định diễn biến này sẽ kéo dài hết năm nay và bền vững trong tương lai.

“Bước sang quý III.2024, tình hình thị trường đầu ra của ngành gỗ trở nên xấu đi do leo thang xung đột, bất ổn địa chính trị, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan tuyến đường biển qua eo biển Đỏ, quá tải ở các cảng lớn, nhu cầu tiêu dùng ngành hàng không thiết yếu trên thế giới chậm lại, thậm chí đã xuất hiện nhiều lo ngại về suy thoái kinh tế ở các thị trường xuất khẩu. Đi kèm với đó là những lo ngại an ninh thanh toán quốc tế khi số vụ bảo hộ phá sản hoặc phá sản doanh nghiệp ngày càng gia tăng ở nhiều thị trường lớn, nhiều tập đoàn mua hàng, phân phối lớn so với 2023”, báo cáo nhận định.

Đáng chú ý, tại các thị trường chính, nhiều quy định liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu ngày càng gần thời điểm hiệu lực. Các quy định bắt buộc tuân thủ khiến nhiều nhà nhập khẩu, người mua hàng tăng cường yêu cầu các nhà xuất khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình, đáp ứng các quy định, tiêu chí nghiêm ngặt. Các quy định này bao gồm: các cơ chế như yêu cầu về điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung, yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) tại Liên minh châu Âu và của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Mỹ (SEC), quản lý dữ liệu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), đặc biệt là Quy chế sản phẩm hàng hóa không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Gần đây, quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) về 2 vụ kiện phạm vi và lẩn tránh thuế tủ gỗ cũng tác động đáng kể đến ngành gỗ trong thời gian tới.

Thực thi các chính sách mới này sẽ tạo ra những khó khăn mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về tiếp cận thông tin và các nguồn lực để đầu tư. Điều này đòi hỏi vai trò tích cực của Hiệp hội và cơ quan quản lý trong việc hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng với các yêu cầu này trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Để hỗ trợ ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của DOC; có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh gỗ Việt sang các thị trường xuất khẩu.

(Theo Daibieunhandan.vn)