Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện là 2 thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chủ lực của Việt Nam, đóng góp từ 65-70% giá trị xuất khẩu của toàn ngành trong các năm qua.
2 thị trường xuất khẩu gỗ chủ lực
Ngày 6/12, tại tọa đàm “Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu”, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam – Hoa Kỳ có thể có những thay đổi lớn trong thời gian tới.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.
“Tính riêng thị trường Hoa kỳ, ngành gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu G&SPG, điều này cho thấy Hoa kỳ là thị trường chủ lực và quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt”, ông Lập nói.
Theo chính sách thuế mới của Chính phủ Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu, mức thuế sẽ là 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 15-20% đối với hàng hóa từ các quốc gia khác.
“Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ áp dụng với hàng hóa từ một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, việc gia tăng nhập khẩu và đầu tư từ các quốc gia khác vào Việt Nam có thể gây ra tác động tiêu cực”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ. Điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hải – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ sẽ nhậm chức vào ngày 25/1/2025 với nhiều chính sách thay đổi đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thương mại với Trung Quốc.
Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện là 2 thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chủ lực của Việt Nam, đóng góp từ 65-70% giá trị xuất khẩu của toàn ngành trong các năm qua.
Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm từ 55-60%, còn Trung Quốc chiếm xấp xỉ 10%. Đây là những con số khẳng định tầm quan trọng chiến lược của thị trường này đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam.
Theo dự báo, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức, nhiều khả năng sẽ áp dụng các chính sách tăng thuế nhập khẩu thêm 20-25%, kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Những chính sách này có thể gây ra những biến động lớn đến dòng vốn FDI đầu tư vào ngành chế biến gỗ, cũng như xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang 2 thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá và giải pháp kịp thời, phù hợp”, ông Hải nhấn mạnh.
Vẫn còn tiềm ẩn rủi ro
Về FDI trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành gỗ Việt tiếp nhận đa dạng các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ ở cả 3 loại hình các dự án đầu tư mới, góp vốn mua cổ phần và điều chỉnh vốn sản xuất.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng và chiếm ưu thế đạt 5,5 tỷ USD chiếm tới 48,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, mặc dù số lượng doanh nghiệp khối này tham gia chỉ chiếm 19% trong tổng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Nhìn chung, các dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ tập trung vào các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, chủ yếu là các dự án sản xuất sản phẩm giường, tủ bếp, bàn ghế. Trung Quốc vẫn là quốc gia chiếm ưu thế về số lượng cũng như mức vốn đầu tư ở cả 3 hạng mục đầu tư mới, góp vốn mua cổ phần và điều chỉnh vốn.