Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: cao su tăng 323,75%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 80,54% so với cùng kỳ năm 2020; hạt điều tăng 69,73%; hạt tiêu tăng 49,63%…
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Liên bang Nga trong 11 tháng năm 2021 đạt 4,97 tỷ USD tăng 12,07% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm tỷ trọng 0,83% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang LB Nga trong 11 tháng năm 2021 đạt 2,92 tỷ USD tăng 10,62% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm tỷ trọng 0,97% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Các mặt hàng có tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam sang LB Nga là những mặt hàng: điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 33,48% tổng kim ngạch xuất khẩu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,28%), hàng dệt may (10,55%).
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: cao su tăng 323,75%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 80,54% so với cùng kỳ năm 2020; hạt điều tăng 69,73%; hạt tiêu tăng 49,63%…
Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga giảm là chè, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, sắt thép…
Còn theo thống kê của Hải quan Liên bang Nga, thương mại song phương Việt – Nga trong 10 tháng năm 2021 đạt 5,62 tỷ USD chiếm tỷ trọng 0,9% trong tổng kim ngạch xuất nhập, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 4,04 tỷ USD, tăng 22%. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga đạt 1,58 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong thời gian tới, để tăng kim ngạch xuất khẩu sang liên bang Nga, đặc biệt với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN – EAEU FTA), mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại Nga.
Điển hình là mặt hàng rau quả, Việt Nam là đối tác ký Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với khối Liên minh kinh tế Á – Âu với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm, trong đó 59,3% được xóa bỏ.
Đây là cơ hội tốt đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, trong đó có mặt hàng thế mạnh là rau quả khi xuất khẩu vào thị trường Nga.
Hay với mặt hàng cao su, nhiều dự báo cho thấy, nhu cầu nhập khẩu cao su của Nga từ Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong 5 năm tới do nhu cầu cao của ngành công nghiệp nước này và mối quan hệ ngoại giao tốt giữa hai nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian tới, các Thương vụ và tổ chức xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến cũng như hỗ trợ trực tiếp, tổ chức hội thảo, giao thương doanh nghiệp (tập trung vào từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể).
(Theo Vneconomy.vn)