vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Cà phê Việt không ngại quy định chống phá rừng của EU

Cà phê Việt không ngại quy định chống phá rừng của EU

Cà phê là một trong những ngành hàng xuất khẩu quan trọng của VN sẽ chịu tác động trực tiếp từ Quy định chống phá rừng của EU (EUDR). Các doanh nghiệp đã chuẩn bị thế nào để tiếp tục có mặt ở thị trường quan trọng này?

Cà phê Việt không ngại quy định chống phá rừng của EU cafe 17249385386231102288782

Xem EUDR là trách nhiệm và cơ hội

Thương vụ VN tại Bỉ, Luxembourg và EU vừa cập nhật: EU đưa ra các hướng dẫn chi tiết về việc thực thi EUDR, có hiệu lực từ ngày 31.12.2024 và áp dụng từ ngày 30.6.2025 cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết: Thời gian qua, các tổ chức và DN tại EU cũng như nhiều nước trên thế giới liên tục kêu gọi trì hoãn việc thực hiện quy định này vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, hướng dẫn mới cho thấy EU kiên quyết không nhân nhượng với nạn phá rừng, buộc các DN phải “vắt giò lên cổ chạy” cho kịp tiến độ. Đối với tỉnh Đắk Lắk cũng như cà phê VN nói chung, có điểm thuận lợi là những năm qua chúng ta đã xây dựng các tổ chức, mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững, có chứng nhận nên có thể dễ dàng thực thi quy định chống phá rừng của EU. Các DN xuất khẩu chỉ cần tiếp cận nhóm nông dân này và hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo hướng dẫn của EU về lô, thửa, danh sách hộ nông dân, tọa độ… là có thể yên tâm xuất khẩu.

“Thời gian qua, những mô hình sản xuất cà phê bền vững ở nơi thuận lợi về cơ sở hạ tầng đã được DN tiếp cận để xây dựng cơ sở dữ liệu như yêu cầu của EU. Chỉ còn khoảng 30 – 40% diện tích ở những nơi giao thông khó khăn, DN chưa tiếp cận tới. Khi EUDR chính thức có hiệu lực và nhu cầu thị trường gia tăng thì các DN sẽ từng bước mở rộng đến những nơi vùng sâu, vùng xa”, ông Trịnh Đức Minh thông tin.

Trong hơn 1 năm qua, các bộ, ngành tích cực phối hợp các hiệp hội cũng như các doanh nghiệp để thực hiện EUDR. Ngoài tính trách nhiệm với môi trường, chúng ta xem đây là cơ hội nâng cao tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa của VN, đặc biệt là cà phê.

EU là thị trường rất quan trọng, chiếm gần 50% tổng lượng cà phê xuất khẩu của VN.

Ông Nguyễn Nam Hải (Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN)

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (VICOFA), cho biết: Ngay sau khi có thông tin cập nhật về EUDR, ngày 28.8 ông có tham dự một cuộc họp do Bộ Công thương tổ chức. “Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và giao Bộ Công thương cũng như Bộ NN-PTNT phối hợp tốt với EU để thực hiện có hiệu quả EUDR trên tinh thần chung tay bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Trong hơn 1 năm qua, các bộ, ngành tích cực phối hợp các hiệp hội cũng như các DN để thực hiện EUDR. Ngoài tính trách nhiệm với môi trường, chúng ta xem đây là cơ hội nâng cao tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa của VN, đặc biệt là cà phê. EU là thị trường rất quan trọng, chiếm gần 50% tổng lượng cà phê xuất khẩu của VN”, ông Hải nói.

VN tích cực nhất, doanh nghiệp có đơn hàng đến quý 2

H.Di Linh (Lâm Đồng) là một trong những vùng trồng cà phê đặc sản có tiếng của VN nên việc thực hiện quy định này khá tốt. Ông Lý Thông Hạ (ngụ H.Di Linh), một trong những nông dân tiêu biểu của địa phương, cho biết ông và bà con nông dân ở đây nhiều năm qua đã liên kết sản xuất và hợp tác cung cấp nguyên liệu cho một thương hiệu toàn cầu của EU theo hướng bền vững.

“Chúng tôi cũng nghe đề cập nhiều đến quy định chống phá rừng của EU. Đến thời điểm này, khâu chuẩn bị đã cơ bản hoàn chỉnh và từ đầu tháng 8 này DN thuê đơn vị độc lập đang tiến hành thẩm định trên địa bàn toàn huyện. Với sự phối hợp của DN và chính quyền địa phương, tôi nghĩ công việc sẽ sớm hoàn tất theo yêu cầu”, ông Hạ thông tin.

Còn tại thủ phủ cà phê, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2.9 Đắk Lắk (Simexco), một trong những DN lớn nhất Tây nguyên, lạc quan: Đến thời điểm này, phần lớn cà phê của DN đều ở “vùng an toàn”. Hiện tại EU cũng chưa có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện EUDR, nhưng Simexco là đối tác của hầu hết các nhà rang xay hàng đầu EU nên trao đổi thông tin thường xuyên. Bản thân các nhà nhập khẩu cũng chưa nắm được cụ thể việc thực hiện các yêu cầu của chính quyền EU như thế nào. “Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc tuân thủ EUDR, chúng tôi đã thuê đơn vị độc lập xác định tọa độ của những vùng cà phê nguyên liệu ở các vùng trồng 4C – sản xuất cà phê bền vững. Xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng, nguồn gốc xuất xứ, kho dự trữ, vận chuyển… để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc”, ông Huy cho biết.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex (Intimex Group), đồng thời là Phó chủ tịch VICOFA, khẳng định: Từ Chính phủ đến bộ, ngành và các DN đều ý thức cao trong việc tuân thủ EUDR cũng như nâng cao chất lượng và giá trị cà phê VN. Hiện nay, các DN VN đã cơ bản chuẩn bị xong và sẵn sàng thực hiện EUDR.

Đối với Intimex, chúng tôi đã hoàn thành thủ tục như EU hướng dẫn và có đơn hàng đến tận tháng 3 – 4.2025. Cơ bản thì đất trồng cà phê ở VN đều hợp pháp và có nguồn gốc rõ ràng từ thời điểm 31.12.2020 trở về sau. Để tuân thủ EUDR, DN chỉ cần đầu tư xây dựng dữ liệu cũng như thuê đơn vị kiểm định độc lập chứng nhận trong thời gian khoảng 6 tháng là hoàn thành. Ở phạm vi toàn cầu, VN là nước tích cực nhất trong việc tuân thủ EUDR, nên đây là cơ hội tốt và giá cà phê VN có thể tiếp tục tăng, vì sản phẩm từ các nước khác sẽ bị hạn chế”, Phó chủ tịch VICOFA nói. 

EU không nhân nhượng với EUDR

Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) áp dụng đối với các sản phẩm: dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ, cao su và các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt bò, đồ nội thất hoặc sô cô la. EUDR áp dụng cho mọi số lượng sản phẩm dù lớn hay nhỏ. Theo đó, sản phẩm hàng hóa nhập khẩu vào EU phải được sản xuất hợp pháp và không bị phá rừng, sản xuất bất hợp pháp sau ngày 31.12.2020 hoặc không thể truy xuất nguồn gốc. DN phải thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh sản phẩm không liên quan đến việc chặt phá rừng và hợp pháp, như tọa độ vị trí địa lý, số lượng, quốc gia sản xuất…

Cần thống nhất cách hiểu một số chi tiết

Đối với chi tiết của quy định, nguồn gốc đất hợp pháp được sử dụng canh tác nông nghiệp từ sau 31.12.2020. Đối với nhiều vùng trồng cà phê ở Tây nguyên, đất đã đảm bảo yếu tố pháp lý này rồi, nhưng trong vườn cà phê, người dân thường trồng một số loại cây tạo bóng mát cho cây cà phê. Các loại cây này cao trên 5 m và có độ che phủ trên 10% diện tích vườn. Đến lúc nào đó, người dân có nhu cầu sử dụng nên đốn hạ phần diện tích cây che bóng mát này. Việc này có bị xem là vi phạm quy định chống phá rừng hay không, đây là vấn đề còn có nhiều cách hiểu khác nhau từ phía EU mà các cơ quan chức năng VN cần làm rõ và thống nhất.

Ông Lê Đức Huy (Tổng giám đốc Công ty Simexco)

(Theo Thanhnien.vn)