Bộ Công thương nhận định, thời gian tới, nếu Ấn Độ bãi bỏ hoặc nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo, sẽ tác động đến giá gạo theo chiều hướng giảm, nhưng Việt Nam còn nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm.
Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 565-570 USD/tấn vào ngày 12/7, mức thấp nhất trong hơn nửa năm trở lại đây.
Theo các doanh nghiệp, hoạt động bán hàng vẫn chậm do nhà nhập khẩu kỳ vọng Ấn Độ sẽ nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu gạo.
Trong khi giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua thì giá gạo Thái Lan cũng giảm do nhu cầu yếu, và thị trường đang chờ đợi khả năng Ấn Độ nới lỏng các hạn chế.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức từ 570-575 USD /tấn, là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4, giảm so với mức 585 USD/tấn của tuần trước.
Tuy giá gạo xuất khẩu được chào bán giảm hơn so với một số thời điểm, nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng gần 10%. Theo đánh giá của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sau thời gian dài tăng trưởng về giá thì giai đoạn điều chỉnh giảm này của gạo Việt Nam nằm trong xu hướng giảm chung của giá gạo thế giới.
Nếu việc nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thông qua trong thời gian tới, nguồn cung dự báo sẽ gia tăng, giá gạo ở châu Á có khả năng hạ nhiệt, do Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với trên 20 triệu tấn/năm.
Ấn Độ đang xem xét cho phép xuất khẩu gạo trắng với mức thuế cố định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng có thể bãi bỏ mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và áp dụng mức thuế cố định.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm được chào với giá 539-545 USD/tấn trong tuần qua.
Bộ Công thương nhận định, thời gian tới, nếu Ấn Độ bãi bỏ, nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo, sẽ tác động đến giá gạo theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên, nhu cầu về gạo của các nước trên thế giới hiện nay vẫn ở mức cao và Việt Nam còn nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2024.
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là điểm sáng, với sản lượng đạt 4,68 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ NN và PTNT, tính đến đầu tháng 7, các địa phương thu hoạch được khoảng 388.000ha trên 1,46 triệu ha đã xuống giống vụ hè thu, năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào luôn là trợ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Bộ này dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, và có thể thu về hơn 5 tỷ USD.
Thị trường chủ lực mua gạo Việt trong những tháng cuối năm vẫn là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore…
(Theo Baodautu.vn)