Năm 2024, Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) được cấp hạn ngạch 2 triệu tấn gạo, nhưng do vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng nên chính phủ nước này quyết định cho nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo để dự phòng những khi cần sử dụng ngay.
Thu hoạch trì hoãn, Indonesia quyết định mua ngay 1,6 triệu tấn gạo
Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto mới đây cho biết, chính phủ quyết định nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước do vụ thu hoạch bị trì hoãn hai tháng.
“Sẽ có một vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và tháng 4 nhưng bị hoãn sang tháng 4, 5 và tháng 6, dẫn đến sản lượng thấp nên chính phủ đã quyết định nhập khẩu gạo”, ông Airlangga Hartarto nói.
Theo ông Airlangga Hartarto, ngoài nhập khẩu gạo chính phủ sẽ tăng cường phân phối gạo theo chương trình bình ổn cung và giá lương thực từ 150.000 tấn đến 250.000 tấn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phân phối mặt hàng gạo sẽ được đóng gói lại với trọng lượng điều chỉnh.
“Những nỗ lực này là cần thiết trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay không có dấu hiệu cải thiện trong tương lai, và tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đang chậm lại”, ông Airlangga Harrarto nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 29/1, Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) đã mở thầu mua 500 ngàn tấn gạo 5% tấm (tại gói thầu này các doanh nghiệp Việt Nam đã thắng khoảng 351.100 tấn gạo), gạo thắng thầu được yêu cầu giao hàng vào tháng 2 và tháng 3/2024, và bây giờ là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu đang gom hàng giao cho Bulog.
Mới đây Chính phủ Indonesia đã ký với Chính phủ Thái Lan mua 200 ngàn tấn gạo (G2G), như vậy, trong kế hoạch nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo Indonesia đã mua được 700 ngàn tấn gạo, còn lại 900 ngàn tấn gạo Bulog sẽ phải mua vào trong thời gian gần.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở miền Tây cho biết, xem như trong tháng 2 và tháng 3 Bulog đã mua được 700 ngàn tấn gạo, còn lại 900 ngàn tấn có khả năng cao Bulog sẽ mở thầu vào đầu tháng 3/2024, sau khi các đơn vị trúng thầu tháng 01/2024 giao và Bulog nắm giá gạo từ các nước đang vào vụ thu hoạch, vì họ cũng muốn mua giá thấp ở đợt đấu thầu sau”, một doanh nghiệp gạo ở miền Tây nhận định.
Dự kiến, cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024, các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long bước vào thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, và giá lúa cũng đang sụt giảm so với trước Tết âm lịch, hiện lúa thơm OM18, DT8, OM5451, … ở khu vực này có giá từ 8.200 – 8.300 đồng/kg, đối với lúa IR50404 giá từ 8.000 – 8100 đồng/kg. Với mức giá lúa như hiện nay doanh nghiệp thắng các gói thầu Bulog giao hàng bây giờ đã có lời nhưng nếu giao hàng trước Tết thì chỉ hòa vốn.
Vốn lưu động bị hạn chế nên không đáp ứng đủ nhu cầu mua vào của doanh nghiệp
Đông Xuân là vụ lúa chính trong năm cho chất lượng tốt, mặt gạo đẹp, khách hàng rất thích, mặt khác, lúa Đông Xuân cho tỷ lệ thu hồi cao nên phần lớn các doanh nghiệp đều muốn đẩy mạnh mua vào để chuẩn bị chân hàng cho mùa kinh doanh mới, đặc biệt có dự báo Bulog sắp mở thầu mua gạo. Song, do hạn chế về nguồn vốn lưu động đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai thu mua lúa gạo.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm XNK Miền Nam cho biết, các thương nhân Philippines đều biết khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, doanh nghiệp Việt Nam đang cần bán ra để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nên giá gạo mà các thương nhân Philippines chào mua đang thấp so với giá thị trường, vì vậy, không có doanh nghiệp nào đồng ý bán và thị trường đang trong tình trạng “canh nhau”, thương nhân nước ngoài “canh” mua gạo Việt, còn doanh nghiệp Việt Nam “canh” bán.
Mặc dù giá lúa gạo hiện nay có sụt giảm so với trước Tết Nguyên đán nhưng nhìn chung vẫn cao hơn so với giá xuất khẩu. Chính vì giá gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu nên tâm thế của doanh nghiệp là chờ thị trường giảm xuống thêm một chút nữa mới đẩy mạnh mua vào, cùng với đó là quan sát coi giá gạo xuất khẩu nằm ở khoảng nào thương nhân nước ngoài mới đồng ý mua, khi đó giao dịch trên thị trường mới sôi động còn bây giờ doanh nghiệp chỉ mua cầm chừng. Trừ những doanh nghiệp trúng thầu Bulog thì đang đẩy mạnh mua vào giao hàng cho đối tác.
“Tuần trước các thương nhân Philippines trả 620 USD tấn, đối với gạo thơm như DT8, OM18, OM5451 phía Việt Nam không bán thì hôm nay họ giảm xuống 10 USD/tấn, chỉ còn 610 USD tấn. Trong khi tất cả các khâu từ nông dân bán lúa đến thương lái, nhà máy xây xát và nhà kho đều cao chào bán cao hơn giá bán gạo xuất khẩu. Do giá thành phẩm gạo sản xuất ra cao hơn giá bán xuất khẩu quy ra Việt Nam đồng, nên các doanh nghiệp gạo đang không ký được hợp đồng mới”, ông Kiệt nói.
Mặt khác, tình hình tài chính của doanh nghiệp gạo hiện nay cũng khá khó khăn vì đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hầu hết đã thế chấp tài sản đảm bảo ở ngân hàng để vay vốn, thậm chí họ cũng đã vay tín chấp hết 50%, bây giờ cần thêm tiền mua lúa để có chân hàng trong kho cũng không biết xoay sở cách nào.
“Dù các doanh nghiệp từ nhà máy xay xát, doanh nghiệp cung ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất muốn đẩy mạnh mua vào để giữ chân hàng trong kho, nhưng do đa phần doanh nghiệp tư nhân đã thế chấp tài sản ở ngân hàng, thậm chí đã vay tín chấp 50%, bây giờ cần thêm vốn cũng không thể vay thêm nhiều được, chính vì vốn lưu động bị hạn chế nên không đáp ứng đủ nhu cầu mua vào của doanh nghiệp trong lúc lúa đang thu hoạch rộ hiện nay, đó cũng là cái khó cho doanh nghiệp”, ông Kiệt chia sẻ.