Áp lực chi phí tăng cao, tiêu thụ chậm, lợi nhuận giảm, sức cạnh tranh trên thị trường giảm… đang là những nỗi lo lớn của các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2022.
Chi phí logistics tăng, lợi nhuận giảm
Xuất khẩu gạo mặc dù được cho là có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng các DN trong ngành hàng này vẫn đang lường trước nhiều khó khăn trong quý III/2022.
Đơn cử như hiện nay, thị trường châu Phi đã chuyển sang mua gạo của Ấn Độ do giá tốt và chi phí vận chuyển rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao (chẳng hạn giá cước đi các cảng chính tại EU vẫn ở mức 9.000 – 10.000 USD/container 20 feet, trong khi tình trạng thiếu container rỗng vẫn xảy ra), khiến cho gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Áp lực chi phí logistics sẽ còn ở mức cao trong các tháng tới cũng làm cho DN xuất khẩu gạo của Việt Nam lo ngại lợi nhuận sụt giảm mạnh. Vấn đề khiến DN lo lắng nhất giá gạo xuất khẩu sẽ đứng yên, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh lại tăng vọt, như vậy rất khó để có được lợi nhuận.
Hay như với xuất khẩu rau quả. Một số DN chuyên xuất khẩu trái cây tươi cho biết, lợi nhuận của DN bị ảnh hưởng lớn vì nhiều chi phí khác không ngừng tăng cao, giá cước vận chuyển cũng tăng như vũ bão. Với áp lực chi phí quá lớn như hiện nay, công sức của DN bỏ ra rất nhiều nhưng lời lãi là rất ít, thậm chí phải chịu lỗ.
Không chỉ vậy, để đưa trái cây tươi xuất khẩu vào các thị trường khó tính, các DN cũng khó tránh chuyện đội giá thành vì chi phí rất cao, bao gồm: Chi phí đóng gói, vận chuyển, chiếu xạ, bảo quản…
Đáng chú ý, thời điểm hiện nay xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ vô cùng khó khăn. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng do tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng ở Mỹ và EU đang tập trung nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu, do đó đồ gỗ bị nhiều người cắt giảm chi tiêu mua vào thời điểm này.
Bên cạnh đó, giá cước vận tải cùng với giá mua gỗ nguyên liệu ở mức cao, khiến giá thành sản xuất tăng, càng gây khó khăn cho các DN sản xuất đồ gỗ. “Không chỉ Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường lớn khác như EU, Hàn Quốc… cũng bắt đầu có dấu hiệu khó khăn do lạm phát” – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Linh hoạt xuất khẩu, đa dạng thị trường
Chỉ ra “điểm nghẽn” trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình nhận định, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid”, trong khi các tỉnh biên giới phía Bắc còn chậm trễ đầu tư về hạ tầng logistics (bến bãi, điểm trung chuyển, kho lưu trữ hàng hóa đạt chuẩn quốc tế…) đã dẫn đến việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
“Điều này cho thấy, 6 tháng cuối năm rất có thể lại tiếp diễn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển khiến hàng hóa xuất khẩu tiếp tục ùn ứ tại toàn bộ cửa khẩu phía Bắc, rồi hàng ngàn tấn nông sản xuất khẩu sẽ phải “quay đầu” tiêu thụ trong nước” – ông Nguyễn Thanh Bình bày tỏ lo ngại.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) Đào Duy Tám khuyến cáo, các DN cần tập trung nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được những điều kiện, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào một đối tượng khách hàng, một thị trường truyền thống. Cùng với đó, chú trọng hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu…
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm, kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn tiếp diễn như giá cả vật tư đầu vào, giá xăng dầu vẫn ở mức cao kéo theo lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid”, nguy cơ đại dịch Covid-19 có thể quay trở lại cũng tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới.
Dự kiến mức tăng trưởng kinh tế của nhiều nước sẽ giảm và thấp hơn so với năm 2021. Người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu, theo đó các nước sẽ giảm nhập khẩu hàng hóa. Các vấn đề trên sẽ tác động trực tiếp đến DN xuất khẩu Việt Nam, trong đó có DN xuất khẩu nông sản.
Khuyến nghị giải pháp đối với các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, DN muốn duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu thì phải nắm bắt thông tin từ các thị trường nhanh để có sự linh hoạt trong xây dựng, điều hành kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Hiện nay, Việt Nam đã mở rộng giao thương với hầu hết quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nên ngoài một số thị trường chính như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… DN cần tìm hiểu mở rộng tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường khác.
(Theo Kinhtedothi.vn)