Chỉ sau 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành cà phê đã đạt 4 tỷ USD, gần bằng mức kỷ lục 4,2 tỷ USD đạt được trong cả năm ngoái. Trong bối cảnh giá cà phê đang duy trì ở mức cao và thị trường tiêu thụ có nhiều thuận lợi, xuất khẩu mặt hàng dự kiến sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu đã gần bằng cả năm ngoái
Số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đạt 76.214 tấn, trị giá 402,2 triệu USD, giảm 9,9% về lượng nhưng tăng mạnh 55,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,1 triệu tấn cà phê, thu về 4 tỷ USD. Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 12,1%, giá trị xuất khẩu vẫn tăng tới 35,6% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu cà phê sau 8 tháng đã gần bằng mức kỷ lục 4,2 tỷ USD đạt được trong cả năm ngoái.
Kết quả trên có được là nhờ giá cà phê liên tục tăng cao trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong tháng 8, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã thiết lập mức kỷ lục mới là 5.278 USD/tấn, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 73% (2.226 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình quân 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu cà phê ghi nhận mức tăng 54,3%, lên mức bình quân 3.800 USD/tấn.
Trong bối cảnh giá cà phê đang duy trì ở mức cao và thị trường tiêu thụ có nhiều thuận lợi, xuất khẩu mặt hàng dự kiến sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới và có khả năng đem về 5,5 – 6 tỷ USD trong năm nay, mức cao nhất trong lịch sử.
Trong 8 tháng đầu năm, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là khách hàng lớn nhất của ngành hàng cà phê Việt Nam. Thị trường này chiếm tới 39% về lượng và 38% trong tổng trị giá xuất khẩu cà phê của nước ta, với khối lượng đạt 412.179 tấn, trị giá trên 1,53 tỷ USD, giảm 9,4% về lượng và tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức giảm 10,9%; Italy giảm 13%; trong khi Tây Ban Nha và Hà Lan lại tăng mạnh 17% và 13,5%…
Ngoài EU, lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga… cũng giảm so với cùng kỳ năm 2023 do nguồn cung hạn chế.
Sự sụt giảm này được bù đắp bởi sự gia tăng tại các thị trường tiềm năng ở khu vực châu Á như: Indonesia tăng 46%; Philippines tăng 63,5%; Trung Quốc tăng 30,4%; Thái Lan tăng 63,6%; Malaysia tăng 64%…
Nhu cầu của nhiều thị trường, đặc biệt là EU vẫn rất lớn bởi các nhà rang xay đang đẩy mạnh nhập khẩu trước khi Quy định về chống phá rừng (EUDR) của EU có hiệu lực vào đầu năm tới.
Tuy nhiên, nguồn cung niên vụ 2023-2024 của Việt Nam không còn nhiều. Kết thúc 11 tháng niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 8/2024), Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn cà phê các loại, giảm 12,3% so với cùng kỳ niên vụ trước và chiếm khoảng 96% trong tổng số sản lượng vào khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ hiện tại.
Nếu không tính lượng tồn kho từ niên vụ trước chuyển sang, Việt Nam chỉ còn khoảng gần 60.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong tháng cuối cùng của niên vụ 2023-2024.
Giá cà phê khó giảm trong vụ tới
Tồn kho cạn kiệt cùng với lo ngại về một vụ mùa nhỏ hơn trong niên vụ 2024-2025 là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá cà phê nội địa tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Tính đến ngày 16/9, giá cà phê robusta nhân xô tại các địa phương trọng điểm ở Tây Nguyên dao động trong khoảng 123.500 – 124.000 đồng/kg, mức cao nhất kể từ cuối tháng 7 và tăng 5,6% so với một tháng trước.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta hợp đồng giao tháng 11 trên sàn Lodon đã tăng lên mức kỷ lục mới là 5.267 USD/tấn, tăng mạnh 17% so với tháng trước.
Tại sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 12 cũng tăng 9,5%, lên 259,5 US cent/pound.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng tới do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 tại Việt Nam dự kiến giảm mạnh, về mức thấp nhất 13 năm.
Trong khi đó, thị trường tiêu dùng cà phê chính thống ở Bắc bán cầu đang dần trở lại sau kỳ nghỉ Hè, sẽ góp phần thúc đẩy một số hoạt động giao dịch cà phê thực trong những tháng tới trước thời điểm rang cà phê mùa Đông ở châu Âu và Mỹ.
Chia sẻ với chúng tôi về vụ thu hoạch tới, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak – một trong doanh nghiệp thuộc Top 8 thị phần xuất khẩu cà phê, cho rằng sản lượng chắc chắn giảm do thời tiết bất lợi và diện tích trồng bị thu hẹp.
Đồng thời, tồn kho của vụ 2023-2024 chuyển sang vụ tới cũng không còn. Do đó, nguồn cung sẽ tiếp tục hạn chế. “Trong vụ hiện tại, tình trạng khan hàng đã xảy ra ngay từ tháng 5”, ông Huy cho biết.
Ngoài ra, tình trạng sương giá tại Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, cũng đang gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê của nước này. Do đó trong vụ mới, các nhà rang xay sẽ buộc phải mua robusta Việt Nam. Điều này kéo theo tình trạng khan hàng năm nay thậm chí sẽ sớm hơn, dự kiến từ tháng 3. Nếu thuần về vấn đề cung – cầu, giá cà phê sẽ khó lòng giảm trong niên vụ mới.
Tổng Giám đốc Simexco DakLak cũng cho rằng tình trạng đầu cơ, thổi giá cà phê năm tới sẽ hạn chế hơn trong năm tới do giá neo ở mức cao.
“Năm ngoái, giá vẫn chưa đạt đỉnh nên tình trạng đầu cơ diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, năm nay, giá cà phê neo ở mức cao nên ít có khả năng tình trạng này sẽ tái diễn ”, ông Huy nói.
Còn theo nhận định của ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản lượng cà phê niên vụ tới có thể tiếp tục giảm khoảng 15% so với niên vụ hiện tại.
“Sản lượng năm tới chắc chắn giảm. Dự báo mức giám khoảng 15%. Lý do một phần diện tích cà phê bị thu hẹp. Ngoài ra, trong mùa khô vừa rồi hạn hán khá nghiêm trọng. Thông thường thời điểm tháng 5,6 là giai đoạn quả cà phê phát triển nhanh chóng nhưng năm nay do thiếu nước nên hạt sẽ nhỏ lại”, ông phân tích.
(Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)