Gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su – 3 nông sản xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam – bắt buộc phải tuân thủ các quy định mới của EU về phát triển bền vững nếu muốn có “tấm vé” thông hành vào thị trường này.
Thách thức lớn
Quy định về Sản xuất hàng hóa không gây mất rừng của EU (EUDR) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2024. Các quy định của EUDR áp dụng với nhà nhập khẩu lớn từ tháng 1/2025 và doanh nghiệp nhỏ từ tháng 6/2025.
Với quy định mới này, EU cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Tại Việt Nam, 3 nhóm ngành bị tác động chính gồm gỗ và sản phẩm gỗ, cao su và cà phê.
Ba nhóm hàng nông sản trên có trị giá xuất khẩu sang EU gần 2,5 tỷ USD trong năm 2023. Trong đó, cao su đạt kim ngạch xuất khẩu 130 triệu USD, cà phê gần 1,5 tỷ USD và gỗ – sản phẩm gỗ gần 700 triệu USD.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, châu Âu là thị trường nhập khẩu quan trọng đối với các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng, bao gồm 50% cà phê và 60% ca cao của thế giới. Do đó, quy định không phá rừng được đưa ra nhằm giảm tác động của các sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu đối với các khu rừng và diện tích rừng trên thế giới.
Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Hoàng Thành, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho hay: “Quy định của EU về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng nhằm giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm, chuỗi cung ứng liên quan đến phá rừng, suy thoái rừng được đưa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường EU”…
Theo quy định, chỉ những sản phẩm đáp ứng cả 2 điều kiện là không gây phá rừng và hợp pháp mới được phép xuất khẩu vào thị trường EU. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt đến tận thửa đất, lô rừng nơi hàng hóa đó được sản xuất.
Chỉ ra 3 thách thức do tác động của EUDR đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đại diện Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho biết: “Với quy định của EUDR, doanh nghiệp Việt đối mặt với chi phí xuất khẩu sang EU tăng, hàng hoá của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần tại EU bởi đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc tuân thủ đầy đủ EUDR”.
Áp lực tăng chi phí thực thi cũng được ông Nguyễn Trung Kiên (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề cập cụ thể hơn: “EUDR yêu cầu 100% sản phẩm phải có định vị GPS/polygon đến từng mảnh vườn, nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này còn thấp, trong khi chi phí định vị lại cao. Đồng thời, EU cũng yêu cầu truy xuất vật lý đến vườn trồng, nhưng quy mô này ở nước ta lại nhỏ lẻ, manh mún; chuỗi giá trị phức tạp với nhiều lớp trung gian, nên chi phí phát sinh rất lớn”.
Hiện tại, ngành cà phê gặp khó khăn trong vấn đề định vị bởi có tới 70 – 75% vườn trồng cà phê tại Việt Nam chưa có dữ liệu định vị phù hợp với EUDR.
Khó cũng phải tuân thủ
EU nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta (theo thứ tự, gồm Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc). Trong đó, ngoài nhóm hàng công nghiệp chế biến – chế tạo (điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép…) nắm giữ kim ngạch xuất khẩu lớn, thì nhóm nông sản cũng tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, nhờ cú hích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Với việc EVFTA được thực thi từ tháng 8/2020, các nhà nhập khẩu EU đã tăng nhập hàng hóa từ Việt Nam. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 58,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 43,68 tỷ USD, xuất siêu 28,7 tỷ USD.
Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, giảng viên đào tạo về phân tích thị trường (Trung tâm Thương mại quốc tế – ITC), sự gia tăng nhu cầu và thương mại của EU đối với các mặt hàng và sản phẩm hợp pháp, không phá rừng sẽ tạo cơ hội cho nông dân quy mô nhỏ ở Việt Nam đi lên bằng con đường phát triển bền vững.
“Khi sản phẩm tuân thủ yêu cầu của EUDR và có chứng chỉ của Hội đồng Quản lý rừng thế giới (FSC) sẽ làm tăng tính cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế”, ông Lăng nhấn mạnh.
Do đó, việc thực thi các quy định mới của EU là bài toán sống còn với doanh nghiệp cà phê, cao su và gỗ – sản phẩm gỗ. Ngay từ khi EU thông tin về EUDR, ngành cà phê, cao su đã triển khai lộ trình thích ứng với EUDR.
Để đáp ứng EUDR, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco) đã sớm triển khai hàng loạt biện pháp thu thập dữ liệu vùng trồng và các thủ tục pháp lý liên quan. Đến nay, sau 9 tháng nỗ lực, Công ty đã được trao 2 chứng nhận của Tổ chức 4C, đối với 2 vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn EUDR, tổng diện tích 9.500 ha, sản lượng trên 35.000 tấn/năm.
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco cho biết, phát triển các vùng nguyên liệu cà phê bền vững đã được doanh nghiệp triển khai từ sớm. Sau 15 năm, doanh nghiệp đã hợp tác với 40.000 hộ, xây dựng vùng liên kết trên 50.000 ha, sản xuất trên 100.000 tấn cà phê mỗi năm. Việc thực hiện sản xuất bền vững giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với các quy định của EUDR.
Trong xu thế các quốc gia nhập khẩu lớn như Mỹ, EU yêu cầu về sản phẩm xanh, sản phẩm dán nhãn carbon, các doanh nghiệp được lưu ý nên thuê chuyên gia tư vấn để thực hiện từng bước phần việc nhằm đáp ứng các quy định của EUDR. Với mỗi ngành hàng, doanh nghiệp có đặc thù khác nhau, nên các bước thực hiện cũng không giống nhau.
Châu Âu là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng cà phê toàn cầu, khi thực hiện nghiêm chỉnh EUDR, cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu, gia tăng thị phần với cà phê Việt được đánh giá là còn lớn.
Với việc tuân thủ EUDR, các mặt hàng trong danh mục nhập khẩu vào EU sẽ được đánh giá dựa trên 3 mức rủi ro: thấp, trung bình và cao. Theo đó, hàng nhập vào EU sẽ kiểm tra 9% lô hàng đến từ các nước có rủi ro phá rừng cao, 3% lô hàng đối với các nước có rủi ro trung bình và 1% lô hàng từ các nước có độ rủi ro thấp.
(Theo Baodautu.vn)