vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Vựa lúa ĐBSCL trong “cơn bão” giá phân bón

Vựa lúa ĐBSCL trong “cơn bão” giá phân bón

Đã tăng và tiếp tục tăng – “cơn bão” giá phân bón đang dồn đẩy hàng triệu nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của cả nước đến nguy cơ thua lỗ. Cơ quan chức năng cần vào cuộc để “kìm” cơn sốt giá phân bón.

Giá phân bón tăng “chóng mặt”

“Ít bữa nữa mới xuống giống, nhưng thấy nguy cơ thua lỗ cao quá”, ông Nguyễn Văn Minh, người canh tác 11ha lúa ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), ngao ngán khi được hỏi về giá phân bón đang tăng. Theo lời ông Minh, chỉ sau 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, giá nhiều loại phân bón đã tăng với tốc độ chóng mặt. Sáng nay, cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thị trấn Tràm Chim báo giá phân DAP đã lên gần 1,3 triệu đồng/bao (50kg). Tức tương đương 25-26.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Tâm, cán bộ kỹ thuật Cty CP Bảo vệ cây trồng 2 lúa (Tam Nông – Đồng Tháp), so với thời điểm trước thềm dịch bùng phát lần thứ 4, giá phân DAP tăng trên 200%. Tương tự các loại phân kali, Ure, MAP cũng tăng với tốc độ chóng mặt. Đây là điều chưa từng xảy ra trong tiền lệ và đang đe dọa lên hàng triệu người trồng lúa ở ĐBSCL – vựa lúa của cả nước.

Ths Nguyễn Phước Tuyên – nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp – xác nhận, đúng là giá phân bón (hóa học) đang tăng với vận tốc bất ngờ. “Điển hình là DAP, từ chỗ chưa đầy 10.000 đồng/kg vào tháng 10.2020, đến nay đã tăng lên 25-26.000 đồng/kg. Đặc biệt là phân Ure sau 2 năm liên tiếp gần như chỉ dao động nhẹ, cũng quay đầu tăng dựng đứng” – ông Tuyên nhấn mạnh. Theo ghi nhận tại các đại lý vật tư nông nghiệp tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, giá phân bón đang tăng từng ngày. Chỉ riêng với Ure, chỉ sau 1 tuần đã tăng thêm bình quân xấp xỉ 100.000 đồng/bao. Đến ngày 20.10, đã lên 860.000 đồng/bao.

“Giá nhiều loại phân bón tăng sẽ đe dọa lợi nhuận của người trồng lúa” – ông Tuyên nhận định. Theo ông Tuyên, với giá lúa bán ra bình quân 5.000đ/kg, sau 3 tháng gieo trồng, nhà nông bán 1 công lúa, mua lại được 2 bao phân DAP. Nếu tính trên đơn vị kilôgam (kg), thì 4,7 – 5kg lúa mới mua được 1kg phân DAP. Tương tự 3-4kg lúa mới mua được 1kg phân kali và 3,3 – 3,6kg lúa mới mua được 1kg Ure. Với tập quán bón phân bình quân 45-50kg/công, thì chi phí đầu vào phân bón đã chiếm tròm trèm 40-50% chi phí giá thành. Điều này không chỉ dồn đẩy người trồng lúa đến bờ vực nguy cơ thua lỗ đi ngược lại cơ cấu mang tính quy chuẩn của các quốc gia trồng lúa trên thế giới. Nhiều năm nay, các quốc gia đều có chính sách trợ giá phân bón, trong đó có cả quốc gia là đối thủ của gạo Việt Nam là Ấn Độ. Với việc Chính phủ trợ giá, nông dân Ấn Độ trả cho DAP với giá tương đương 7.440đ/kg và Ure là 1.662đ/kg. Điều này còn cho thấy, không chỉ có nông dân mà ngay các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam gặp khó trong cuộc chiến xuất khẩu gạo sắp tới khi mà cán cân giá thành có độ lệch không cân sức ngay trước giờ bóng lăn.

Khi nào Bộ NNPTNT vào cuộc để kìm cơn sốt giá phân bón?

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Việt Nam sử dụng trung bình mỗi năm khoảng 10,2 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, hằng năm có khoảng 16,88 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ tự sản xuất để sử dụng từ các nguồn phụ phẩm sẵn có trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản. Bên cạnh đó, nguồn phân bón nhập khẩu trung bình mỗi năm khoảng trên dưới 4 triệu tấn. Với số lượng phân bón tự sản xuất được và nhập khẩu thêm, sẽ không có chuyện thiếu phân bón cho nông dân sử dụng.

Điều đáng nói là, mặc dù nguồn cung đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng giá phân bón đang cao ở mức ngất ngưởng, làm đội chi phí khiến nông dân không có lãi. Phân tích của “vua lúa gạo” Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho thấy: Giá phân bón tăng cao đã khiến mỗi hecta lúa bị đội chi phí lên khoảng 1.540.000 đồng. Nếu tính tổng diện tích 7,3 triệu hecta trồng lúa trên cả nước hiện nay, thì chi phí đầu tư của nông dân đã bị đội lên đến 11.242.000.000 đồng/năm do biến động của giá phân bón – một con số hoàn toàn không nhỏ đối với người nông dân vốn “chân lấm tay bùn” nhưng có thu nhập thấp. Mặc dù thừa nhận, rất khó kéo giá phân bón xuống thấp bởi khi hội nhập với nền kinh tế thế giới, Việt Nam buộc phải tuân thủ theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, giá phân bón thế giới tăng sẽ kéo theo giá phân bón trong nước. 

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV, cũng nhấn mạnh: Để bình ổn thị trường phân bón, Cục BVTV đã tham mưu Bộ NNPTNT kết hợp Bộ Công Thương, tăng cường quản lý xuất nhập khẩu một số mặt hàng phân bón, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước. Đồng thời, Cục BVTV phối hợp để rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại, tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm trí tuệ, nhập lậu.

(Theo Laodong.vn)