vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Xuất khẩu gạo, hồ tiêu sang Trung Quốc giảm mạnh: Đâu là nguyên nhân?

Xuất khẩu gạo, hồ tiêu sang Trung Quốc giảm mạnh: Đâu là nguyên nhân?

7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm 68,4%, còn với mặt hàng hồ tiêu, mức giảm ghi nhận 85% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu gạo và hồ tiêu sang Trung Quốc giảm 2 con số

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc đạt 7,04 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn thứ hai (đứng sau Hoa Kỳ), chiếm 20,5% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp trong 7 tháng qua.

Xuất khẩu gạo, hồ tiêu sang Trung Quốc giảm mạnh: Đâu là nguyên nhân? Xuat khau gao ho tieu sang Trung Quoc giam manh  Dau la nguyen nhan

Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 2,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Các mặt hàng như thuỷ sản, hạt điều, gỗ, cà phê… cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 7 tháng năm 2024.

Tăng mua nhiều loại nông sản Việt nhưng Trung Quốc lại giảm mạnh nhập khẩu gạo và hồ tiêu từ Việt Nam trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2024, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 8.000 tấn, giảm mạnh gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, xuất khẩu gạo sang thị trường tỷ dân này 7 tháng năm 2024 đạt 130,8 triệu USD, giảm mạnh 68,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê, năm 2012, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu, với kim ngạch 898 triệu USD, chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo. Giá trị xuất khẩu gạo Việt sang Trung Quốc giai đoạn 2012-2016 duy trì tương đối ổn định. Năm 2017, xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng đột biến, đạt gần 1,03 tỷ USD, chiếm gần 40% trong tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc lao dốc khi năm 2018 chỉ đạt khoảng 640 triệu USD. Đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm còn 240,3 triệu USD. Với con số này, Trung Quốc từ vị trí thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam rơi xuống vị trí số 3. Năm 2021, Trung Quốc nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này lại giảm mạnh.

Bắt bệnh nguyên nhân xuất khẩu giảm

Là doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An – cho biết, việc giảm hay tăng mua là do cung cầu thị trường. Với Trung An, đơn hàng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiều bằng các thị trường khác.

Đáng chú ý, những năm gần đây, Trung Quốc nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng hàng hoá, trong đó có gạo. Ở phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm, nếp hay ST24… đòi hỏi khắt khe về chất lượng và mẫu mã bao bì. Trong khi đó, phân khúc trung bình nhà nhập khẩu Trung Quốc lại chuộng hàng giá rẻ, gạo tấm về để chế biến. Họ nhập lượng lớn nhưng ưu tiên giá rẻ nên doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với các đối thủ ở những quốc gia khác.

Nhận định về một số khó khăn khiến xuất khẩu gạo của ta sang thị trường Trung Quốc, theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, hàng năm, Trung Quốc ban hành hạn ngạch nhập khẩu đối với gạo. Trong những năm trở lại đây, hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc không có thay đổi nhiều. Cụ thể, năm 2023, hạn ngạch nhập khẩu gạo của nước này ở mức 5,32 triệu tấn, trong đó hạn ngạch dành cho gạo hạt dài với 2,66 triệu tấn và gạo hạt ngắn với 2,66 triệu tấn. Con số này không thay đổi trong những năm trở lại đây. Bên cạnh đó, hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép 21 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này (trong tổng số khoảng 200 doanh nghiệp đã được cấp phép)

Mặt khác, hiện nay các sản phẩm gạo có mặt trên thị trường Trung Quốc đều có chất lượng tương đối cao bên cạnh việc các nước xuất khẩu rất chú trọng vào khâu đóng gói bao bì. Qua công tác nắm tình hình, Thương vụ nhận thấy bao bì gạo của Thái Lan, Lào có mặt tại hệ thống siêu thị của Trung Quốc (thậm chí cả hệ thống siêu thị khu vực phía Bắc Trung Quốc – khu vực tương đối khắt khe về chất lượng hàng hóa và yêu cầu về bao bì) được đóng gói hết sức chắc chắn, bắt mắt và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc. Đáng chú ý, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, biến động về nguồn cung ứng lương thực toàn cầu có nhiều biến động, do đó cơ cấu nhập khẩu lương thực của Trung Quốc cũng bị tác động.

Xuất khẩu gạo, hồ tiêu sang Trung Quốc giảm mạnh: Đâu là nguyên nhân? Xuat khau gao ho tieu sang Trung Quoc giam manh

Với mặt hàng hồ tiêu, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ hai của Việt Nam, nay đã tụt xuống vị trí thứ 5 sau Mỹ, Đức, Ấn Độ và UAE.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này nhận định, giá tiêu nội địa của Trung Quốc đang thấp hơn so với hàng nhập khẩu. Thêm vào đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo trong nửa đầu năm nay, nên nhu cầu chi tiêu của người dân giảm và lượng hàng tồn kho còn đủ dùng. Đây là những nguyên nhân dẫn đến quốc gia này giảm mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam. VPSA dự báo, nhu cầu nhập khẩu loại nông sản này từ thị trường Trung Quốc khó cải thiện ở nửa cuối năm.

Về việc Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam và tăng mua hồ tiêu Indonesia, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) – đặt vấn đề, giá tiêu Indonesia không thấp hơn giá tiêu Việt Nam, thậm chí còn cao hơn giá tiêu Việt Nam. Như vậy, rõ ràng việc này không xuất phát từ nguyên nhân giá. Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc tăng mua hồ tiêu Indonesia? Tăng mua loại gì? Có phải là mặt hàng quen thuộc với thị trường, bạn hàng, thị hiếu của người Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc hay mua hồ tiêu sử dụng công nghệ ngâm nước và hiện họ vẫn đang chấp nhận mặt hàng này. Trong khi nhiều doanh nghiệp đầu tàu xuất khẩu của Việt Nam đang tập trung làm tiêu sọ (tiêu trắng) – sử dụng công nghệ hấp thay vì công nghệ ngâm như trước đây và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU. Liệu đây có là lý do? Một vấn đề khác cũng có thể được đề cập đến đó là liệu Trung Quốc đang siết chặt xuất khẩu tiêu tiểu ngạch, đây có thể là trở ngại khiến Trung Quốc chưa nhập hồ tiêu nhiều từ Việt Nam?

Trở lại với mặt hàng gạo, ông Nông Đức Lai – Tham tán Thương mại tại Trung Quốc – cho biết, Trung Quốc là quốc gia đông dân và người dân có thói quen ăn cơm hàng ngày. Thói quen này đã đi vào văn hóa ẩm thực của người Trung Hoa, do đó, nhu cầu tiêu dùng đối với gạo tại thị trường này là rất lớn. Song Trung Quốc cũng là quốc gia sản xuất và có sản lượng gạo lớn nhất toàn cầu.

Để gia tăng cơ hội xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc, cơ quan chức năng khuyến cáo doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường gạo Trung Quốc, cập nhật thông tin thị trường, kịp thời nắm bắt các động thái mới nhất của thị trường nước nhập khẩu, ứng phó kịp thời cũng như nắm bắt thời cơ. Hiện dòng gạo thơm, gạo cao cấp, gạo ST24, ST25 được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nên các doanh nghiệp cần duy trì, phát huy và mở rộng thị phần, đồng thời tranh thủ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường này.

(Theo Congthuong.vn)