vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng trở lại nhóm hàng tỷ đô

Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng trở lại nhóm hàng tỷ đô

Tuy sản lượng hồ tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 giảm nhẹ 2,2% nhưng do giá xuất khẩu giữ ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng đến 40,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với đà tăng trưởng này, cùng với giá xuất khẩu tiếp tục ở mức cao do cung thấp hơn cầu, nhiều khả năng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong cả năm nay sẽ đạt trên 1 tỷ USD, đưa ngành hàng này trở lại nhóm ngành hàng tỷ đô kể từ năm 2017.

Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng trở lại nhóm hàng tỷ đô kim ngach xuat khau ho tieu viet nam tang manh 40 8 trong 7 thang dau nam 2024 66b49628a236b

Xuất khẩu hồ tiêu tăng hơn 40%

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), mặc dù sản lượng hồ tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 giảm nhẹ 2,2% nhưng do giá xuất khẩu giữ ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng đến 40,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 21.771 tấn hồ tiêu các loại; bao gồm tiêu đen đạt 19.371 tấn, tiêu trắng đạt 2.400 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 129,9 triệu USD,  giảm 22,7% về lượng, giảm 7,9% về giá trị so với tháng trước nhưng tăng 43,7% về lượng và 128,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 7 đạt 5.861 USD/tấn, tiêu trắng đạt 7.558 USD/tấn, tăng lần lượt 15,7% đối với tiêu đen và 9,2% đối với tiêu trắng so với tháng trước.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 164.357 tấn hồ tiêu các loại; trong đó, tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 2,2% nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 40,8%.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 7 tháng đạt 4.568 USD/tấn, tăng 32,7%; tiêu trắng đạt 6.195 USD/tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua với sản lượng đạt 43.349 tấn, tăng 48,4% so với cùng kỳ và chiếm 26,4% thị phần. Tiếp theo là thị trường Đức nhập 10.941 tấn, tăng 97,3%; UAE nhập 10.897 tấn, tăng 39,2%; Ấn Độ nhập 8.744 tấn, tăng 39,7%; Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 5 đạt 8.059 tấn, giảm 84,6% so cùng kỳ năm trước.

Trong những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong khi các thị trường khác lại tăng mạnh từ hai đến ba con số. Trung Quốc đã rơi từ vị trí số 1 xuống vị trí thứ 5 trong danh sách các nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam.

VPSA nhận định, năm 2024 nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự báo, nhu cầu chi tiêu của người dân thắt chặt hoặc lượng hàng tồn vẫn còn đủ dùng là một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc tiếp tục hạn chế thu mua hồ tiêu từ Việt Nam.

Ngoài ra, mức tăng giá hồ tiêu tại thị trường nội địa không như kỳ vọng do nhu cầu thấp từ thị trường Trung Quốc. Hiện giá hồ tiêu tại thị trường Trung Quốc đang thấp hơn giá tại Việt Nam có thể là nguyên nhân chính của việc hạn chế nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn thứ hai cho Trung Quốc (sau Indonesia) trong nửa đầu năm nay với 1.515 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc chiếm 32,7%, giảm so với mức 36,5% của cùng kỳ năm ngoái.

Giá tiêu nhập khẩu trung bình vào thị trường Trung Quốc trong tháng 6/2024 là hơn 4.400 USD/tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 7,4% so với tháng 5.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Trung Quốc hạn chế mua tiêu từ Việt Nam nhưng cũng chỉ mới nhập một lượng nhỏ gần 1.000 tấn từ Indonesia, trong khi nước này đã xuất khẩu 2.266 tấn chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc hiện nay đang là một ẩn số vì ngoài nhu cầu tiêu thụ nội địa cao, nước này cũng là nước có nguồn dự trữ khá tốt.

Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng trở lại nhóm hàng tỷ đô kim ngach xuat khau ho tieu viet nam tang manh 40 8 trong 7 thang dau nam

Kỳ vọng cán mốc 1 tỷ USD 

Ngoài ra, do sản lượng hồ tiêu thu hoạch giảm ở cả Việt Nam và Brazil – hai quốc gia sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới đã đẩy giá tiêu tăng mạnh. Nhiều chuyên gia nhận định, quy luật về giá hồ tiêu năm nay không gióng như thường thấy ở các năm trước.

Cụ thể, giá tiêu tại thị trường nội địa trung bình tháng 7/2024 đạt 150.000 đồng/kg, tăng 82,9% so với thời điểm tháng 1 và tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính trung bình giá tiêu đen 7 tháng đầu năm 2024 tăng 66,5% so với năm 2023.

VPSA cho rằng, việc thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến giá tiêu trong thời gian tới tiếp tục có những đợt biến động bất thường như trong thời điểm ngày 11/6 khi buổi sáng giá tăng mạnh 20.000 đồng/kg nhưng buổi chiều lại giảm mạnh xuống trở lại.

Mặc dù vậy, ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco) – doanh nghiệp trong top 7 thị phần xuất khẩu tiêu lại cho rằng, việc giá tiêu tăng mạnh nhưng người bán lại không vội vàng, nhiều người trồng vẫn chưa bán ra mà lựa chọn ngồi chờ cho giá tăng thêm, đôi khi sẽ làm họ mất cơ hội.

Cụ thể, ông Huy phân tích, lượng hàng tồn kho của Việt Nam còn khoảng 30% tương đương 50.000 – 55.000 tấn. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay các thị trường mua hàng truyền thống của Việt Nam đã nhập khẩu lượng lớn tiêu. Điều này đồng nghĩa rằng họ cũng không vội mua thêm hàng và đang đợi.

Do đó, theo ông Huy, dù tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn tiếp diễn nhưng giá tiêu sẽ khó có đợt tăng mạnh như hồi đầu năm.

Khả năng giá tiêu sẽ vẫn nằm ở mức này trong thời gian tới. Nông dân vẫn kỳ vọng giá sẽ tăng sốc trở lại nhưng theo cá nhân tôi thì điều này rất khó.” – Ông Huy nhận định.

Cùng quan điểm,  bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA nhận định, giờ muốn giá tiêu lên phải có sức đẩy của thị trường, phải có nhu cầu. Hoa Kỳ và châu Âu chiếm gần 50% lượng xuất khẩu của Việt Nam và đã mua rất mạnh trong 6 tháng đầu năm, các tháng cuối năm nếu hai thị trường này không mua nhiều, giá có thể khó bật tăng mạnh trở lại như trước đó.

Trên thực tế, theo khảo sát tại 3 tỉnh Tây Nguyên vào đầu tháng 7/2024 vừa qua, việc duy trì và sản xuất hồ tiêu ngày càng bị cạnh tranh bởi cây cà phê và sầu riêng. Diện tích trồng mới hồ tiêu không nhiều, chủ yếu trông xen kẽ cây cà phê với tỉ lệ 6-2.

Sau thời điểm vụ thu hoạch 2024, một đợt hạn hán kéo dài 100 ngày tại Tây Nguyên làm nhiều vườn tiêu bị hạn nặng. Ngay tiếp đó lại có lượng mưa lớn nặng hạt vào tuần thứ 3 của tháng 5 tại các tỉnh Bình Phước và Đắk Nông lại khiến vườn hồ tiêu bị ngập úng. Thời tiết nồm ẩm tạo môi trường cho sâu bệnh hại lên các cây hồ tiêu như vàng lá, chết chậm, bọ xít lưới, đốm tảo, tuyến trùng.

Hệ quả, vườn tiêu dễ rụng trái, thiếu dinh dưỡng, bị vàng lá, ngập úng, nhiễm sâu bệnh hại… tỷ lệ rụng trái non cao. Các chuyên gia dự báo, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, với ước tính chỉ đạt khoảng 170.000 tấn.

Về dài hạn, VPSA đánh giá rằng trong 3-5 năm tới lượng tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới, đây cũng là yếu tố thúc đẩy giá tiêu đi lên trong thời gian tới.

Với đà tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm, cùng với giá xuất khẩu đang tiếp tục ở mức cao do cung thấp hơn cầu, nhiều khả năng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong cả năm nay sẽ đạt trên 1 tỷ USD, qua đó đưa ngành hàng hồ tiêu trở lại nhóm ngành hàng tỷ đô kể từ năm 2017.

(Theo Tapchicongthuong.vn)