Xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục được nhận định có nhiều khởi sắc, thị trường có nhiều tiềm năng mở rộng trong những tháng còn lại của năm 2024. Từ đó, giá lúa trong nước cũng được các chuyên gia dự đoán tiếp tục giữ mức cao. Tuy nhiên, đại diện địa phương và các bộ, ngành liên quan đề xuất vẫn cần phải có phân tích, định hướng thị trường xuất khẩu gạo để chủ động trong sản xuất, thu mua lúa gạo.
Là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024, giá lúa ở Đồng Tháp tăng hơn so với cùng kỳ, lúa gạo quý I/2024 tiêu thụ rất thuận lợi. Tuy nhiên, giá lúa sụt giảm liên tục đã gây nhiều bất lợi cho nông dân. Vì thế, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất, Bộ Công Thương cần có phân tích thị trường xuất khẩu gạo; dự báo nhu cầu về loại gạo, giá mua để địa phương chủ động định hướng sản xuất lúa phù hợp và người dân có được nguồn thu, cải thiện lợi nhuận.
“Bởi lẽ, theo đánh giá từ Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng, giá gạo tăng, chi phí sản xuất lúa tăng nhưng giá bán lúa của nông dân lại giảm. Đây là nghịch lý”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thắc mắc.
Dự kiến năm 2024, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,3 triệu tấn gạo; trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước 4,38 triệu tấn và 6 tháng cuối năm trên 3 triệu tấn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam khẳng định, hiện nay sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 43 triệu tấn, tương đương khoảng 20 triệu tấn gạo. Con số này hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, có hai vấn đề vướng mắc trong chuỗi lúa gạo đã tồn tại thời gian dài là người sản xuất không biết bán ở đâu, còn doanh nghiệp rất muốn mua lúa, nhưng chưa xác định được thời điểm ký hợp đồng phù hợp, cũng như địa điểm tìm nguồn nguyên liệu, phải thu mua qua khâu trung gian làm gia tăng chi phí.
Mặc dù, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi thông tin đến Bộ Công Thương và các địa phương về sản lượng lúa từng mùa vụ là bao nhiêu, nhưng vẫn chưa có sự thông tin chặt chẽ. Doanh nghiệp khi ký hợp đồng vẫn không biết sản lượng như thế nào – Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Do đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Công Thương, trước mỗi mùa vụ, các cơ quan liên quan của hai bộ này cùng “ngồi lại” với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) để thống nhất nội dung triển khai. Sau đó, thông báo đến doanh nghiệp để cùng tham gia, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch VIETRISA đề xuất, các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng lúa gạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đây cũng là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phát huy vai trò chủ lực xây dựng vùng nguyên liệu. Bởi trách nhiệm trong phát triển hợp tác xã, liên kết nông dân làm cầu nối, tiếp thị, thu hút sự liên kết của doanh nghiệp trên các vùng nguyên liệu của địa phương.
Các chuyên gia nhận định, năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức như: nguồn cung gạo toàn cầu giảm, tình hình chính trị còn diễn biến phức tạp… Do đó, dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Để điều hành xuất khẩu gạo đáp ứng mục tiêu tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn cho biết, Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát tình hình thị trường, nhằm kịp thời đưa ra những khuyến nghị, động thái cần thiết. Cùng đó, phối hợp các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu gạo sang các thị trường, nhất là trong bối cảnh xu hướng gia tăng rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Sơn đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tình hình sản xuất, đánh giá số liệu thông tin sản xuất về cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích sản xuất để phục vụ cân đối cung cầu. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan theo dõi sát tình hình xuất, nhập khẩu gạo và kịp thời thông tin đến các bộ, ngành khi có sự biến động bất thường. Các địa phương vùng sản xuất lúa, gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu theo dõi sát tình hình sản xuất, giá lúa, gạo biến động tại địa phương chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai giải pháp cân đối, bình ổn kịp thời và phù hợp.
Theo dự báo, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn, trong đó: nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn, nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn được kỳ vọng tăng.
Tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 2,18 triệu tấn với giá trị gần 1,43 tỷ USD (giá trung bình 653,9 USD/tấn), tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I/2023. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong số đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu sang thị trường này trung bình đạt 641,7 USD/tấn, tăng 13,2% về lượng, tăng 44% về kim ngạch và tăng 27,3% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Một số chủng loại gạo xuất khẩu trong quý I/2024 vẫn được ưa chuộng trên thị trường gồm gạo thơm các loại (ST24, ST25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa…), gạo jasmine, gạo japonica, gạo trắng 5%…
(Theo TTXVN)