vien

Đăng nhập

Bạn quên mật khẩu?

/ Tin tức / Tin kinh tế / EVFTA – “sức bật” cho hàng Việt sang EU

EVFTA – “sức bật” cho hàng Việt sang EU

Sự chuẩn bị tốt từ doanh nghiệp, sự chủ động gỡ bỏ rào cản, thuận lợi hóa thương mại, khơi thông điểm nghẽn… của các bộ, ngành là cơ sở để nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định EVFTA.

EVFTA – “sức bật” cho hàng Việt sang EU 13a

“Sức bật” cho hàng Việt sang EU

Khoảng 10.000 tấn gạo thơm chất lượng cao đã được Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang EU, chủ yếu là Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Đức, Pháp… trong 9 tháng năm 2021. Các chủng loại gạo Jasmine 85, DT 8, OM18, đặc biệt là Lộc Trời 28 đã được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Nhờ đó, doanh nghiệp vừa có giá xuất khẩu cao, vừa được hưởng thuế 0%.

Tuy lượng gạo xuất sang EU chỉ chiếm một lượng nhỏ trong 100.000 tấn gạo xuất khẩu hàng năm của Lộc Trời, nhưng tỷ trọng gạo của doanh nghiệp này trong tổng lượng gạo của Việt Nam vào EU lên đến gần 70%. “Kết quả này có được sau cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm nhằm khai thác tốt nhất các FTA với nhiều thị trường lớn”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời khẳng định.

Đơn cử, để đáp ứng 509 tiêu chí trong danh mục quản lý chất lượng gạo vào EU, Viện Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng quy trình quản lý mùa vụ với các tiêu chí nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến khi ra thành phẩm với nhiều bước.

Lộc Trời là một trong các doanh nghiệp Việt Nam có kết quả tận dụng EVFTA ấn tượng, đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU từ tháng 8/2020 đến nay. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, thương mại Việt Nam – EU sau một năm thực thi EVFTA đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,48 tỷ USD, tăng 11,3% và nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.

Trong 9 tháng năm 2021, dù Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng tại nhiều vùng sản xuất trọng điểm phía Nam, nhưng Việt Nam – EU vẫn đạt mức tăng trưởng cao về kim ngạch thương mại. Con số đạt được là 41,3 tỷ USD, tăng 13,4%, trong đó xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu tăng 17,6% với 12,4 tỷ USD.

Điều đáng mừng hơn cả là ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ EVFTA. “Năm đầu tiên thực thi hiệp định này, đã có gần 208.000 bộ C/O mẫu EUR.1 được cấp, với kim ngạch 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, còn 6.115 lô hàng xuất đi EU được các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ”, thống kê của Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Vượt qua trở ngại

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU, sức bật cho hợp tác thương mại và đầu tư trong bối cảnh bình thường mới do Bộ Công thương tổ chức hôm 27/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ tại EU. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN, với thương mại hai chiều đạt 43,2 tỷ euro.

“Đây là kết quả đáng ghi nhận sau hơn một năm thực thi EVFTA, đồng thời là cơ sở để Việt Nam có thể lạc quan vào một sức bật mạnh mẽ hơn trong giai đoạn bình thường mới với nền tảng vững chắc của EVFTA và tới đây là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA)”, ông An khẳng định.

Tại Diễn đàn trên, Đại sứ Pier Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam chia sẻ, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, trong đó có trái cây nhiệt đới. Nhờ EVFTA, nhiều dòng rau quả trước đây chịu mức thuế suất 10-20% thì nay về 0%, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với các nước chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc và một số nước châu Mỹ Latinh.

Đáng tiếc là rau quả của Việt Nam xuất sang EU còn hạn chế do chưa đáp ứng được các quy tiêu chuẩn cao của thị trường này. Mỗi năm, EU nhập khẩu khoảng 130 tỷ euro rau quả, nhưng rau quả Việt Nam mới chiếm chưa tới 1% thị phần tại thị trường này.

Đại sứ Pier Giorgio Aliberti lưu ý, để có tăng trưởng bền vững trong thương mại và đầu tư với EU nhìn từ cơ hội EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ thách thức với lĩnh vực của mình, không nên chỉ nhìn vào số lượng, mà cần nhìn vào chất lượng, kể cả trong thu hút đầu tư cũng như xuất khẩu, thì mới bền vững.

Điều quan trọng là, Việt Nam cần hiện đại hóa trong thông quan hàng hóa, loại bỏ những quy định đã lỗi thời, hay vấn đề liên quan đến tuân thủ, giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp, để việc thực thi EVFTA được hiệu quả hơn nữa. Với EVFTA và tới đây là EVIPA, doanh nghiệp châu Âu có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt thuận lợi trong việc mua công nghệ từ EU, đáp ứng quy trình chế biến để đạt chuẩn xuất khẩu lâu dài sang thị trường lớn này.

(Theo Baodautu.vn)